Góp phần quan trọng kéo giảm áp lực trường, lớp
Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết, một số kết quả nổi bật, hiệu quả của việc xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thời gian qua?
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai Trương Thị Kim Huệ: Tính đến năm học 2023-2024 vừa qua, mạng lưới trường ngoài công lập có 188 trường từ mầm non đến trung học phổ thông. Trong đó, mầm non có 150 trường, tiểu học 6 trường, trung học cơ sở 5 trường và trung học phổ thông có 27 trường.
So với mặt bằng chung cả nước, tỉnh Đồng Nai là địa phương đã thực hiện tốt về công tác xã hội hóa giáo dục với tỷ lệ học sinh ngoài công lập là 20,6%, trong khi toàn quốc là hơn 6,68%.
Các trường ngoài công lập đã huy động 144.593 học sinh các cấp ra lớp, chiếm tỷ lệ khoảng 19% so tổng số học sinh. So với mặt bằng chung cả nước, tỉnh Đồng Nai là địa phương đã thực hiện tốt về công tác xã hội hóa giáo dục với tỷ lệ học sinh ngoài công lập là 20,6%, trong khi toàn quốc là hơn 6,68%.
Việc xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh đã hình thành các cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện đào tạo theo các mô hình trường quốc tế, cấp bằng tú tài quốc tế; trường chất lượng cao tăng cường ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm, học 2 buổi/ngày ở tất cả các khối lớp.
Bên cạnh đó, việc xây dựng, đưa vào hoạt động trường mầm non để phục vụ con em công nhân của doanh nghiệp đã bước đầu được thực hiện có hiệu quả với nhiều trường mầm non ra đời, như: Trường mầm non Đông Phương tại Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom; Trường mầm non DonaStandard, Khu công nghiệp Xuân Lộc, huyện Xuân Lộc; Trường mầm non Thái Quang-Biên Hòa; Trường mầm non Những bông hoa nhỏ-Biên Hòa…
Cùng với các nhà đầu tư trên địa bàn, tỉnh Đồng Nai cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoài tỉnh, các nhà đầu tư vốn nước ngoài thực hiện đầu tư các dự án giáo dục trên địa bàn.
Xã hội hóa giáo dục góp phần tích cực vào giảm số lượng biên chế được giao của ngành giáo dục trong các năm qua. Với tổng số lớp học ngoài công lập các cấp học là 3.426 lớp, hệ thống các trường tư thục đã gánh thay cho biên chế khoảng 7.052 chỉ tiêu, góp phần vào mục tiêu giảm số lượng biên chế viên chức của ngành giáo dục.
Học sinh Trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông Trần Đại Nghĩa, huyện Trảng Bom. Đây là một trong những ngôi trường được đầu tư từ xã hội có số lượng học sinh đông nhất tỉnh Đồng Nai. |
Phóng viên: Đâu là những khó khăn, vướng mắc đặt ra trong việc thực hiện xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhất là liên quan đến chính sách đất đai?
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai Trương Thị Kim Huệ: Theo quy định tại Luật Đất đai, các dự án xã hội hóa giáo dục không thuộc trường hợp Nhà nước tổ chức thu hồi đất mà nhà đầu tư phải thực hiện thỏa thuận với chủ sử dụng đất để có đất làm dự án; do đó, gây ra những khó khăn và kéo dài thời gian thực hiện đối với nhà đầu tư.
Một số địa phương vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào nguồn ngân sách, vào hệ thống trường công lập ở một số cấp ủy, chính quyền các địa phương cấp huyện nên chưa quyết liệt, chưa tập trung hỗ trợ cho phát triển xã hội hóa giáo dục trên địa bàn.
Phát triển xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chưa đồng đều giữa các địa phương; trong đó, xã hội hóa chủ yếu tập trung ở các địa bàn kinh tế phát triển, các khu đô thị. Huy động xã hội hóa giáo dục ở cấp học tiểu học, trung học cơ sở còn hạn chế; tỷ lệ trẻ mầm non ngoài công lập tuy cao nhưng trong đó huy động ra các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập còn chiếm 45% trẻ huy động ngoài công lập.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh kiểm tra cơ sở vật chất tại một trường học trên địa bàn thành phố Biên Hòa. |
Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục
Phóng viên: Tại một số hội nghị quan trọng gần đây, Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Với vai trò là cơ quan tham mưu, tổ chức thực hiện chuyên ngành, đồng chí có thể cho biết, ngành đã và đang triển khai những chỉ đạo này như thế nào?
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai Trương Thị Kim Huệ: Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các địa phương, sở ngành tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định số số 881/QĐ-UBND ngày 4/4/2024 về việc phê duyệt danh mục các dự án đầu tư để mời gọi nhà đầu tư quan tâm thực hiện xã hội hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó, 47 công trình giáo dục kêu gọi đầu tư trên tổng số 97 công trình kêu gọi đầu tư ở các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Đây là các công trình đã phù hợp các loại quy hoạch, thuận lợi cho nhà đầu tư xem xét, đề xuất đầu tư.
Song song đó, từ đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh, cuối năm 2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 38 thống nhất mức tiền miễn, giảm tiền thuê đất đối với dự án thực hiện xã hội hóa.
Đồng thời, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về việc quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, theo đó, thông qua chế độ hỗ trợ cho học sinh mầm non là con của công nhân lao động ở các khu, cụm công nghiệp; chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non tư thục trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập là con công nhân, người lao động và chế độ hỗ trợ một số trang thiết bị dạy học cho các trường mầm non tư thục.
Để hỗ trợ nâng cao trình độ chuyên môn cho các trường ngoài công lập, hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên các trường, nhóm lớp mầm non. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức các lớp học tập chính trị cho lãnh đạo các trường phổ thông ngoài công lập trong dịp hè.
Trường mần non Ngôi Sao vừa được đầu tư khang trang, đưa vào hoạt động từ tháng 5/2024 từ 100% xã hội hóa. |
Phóng viên: Đâu là những giải pháp cho việc xã hội hóa giáo dục thời gian tới của địa phương, trong bối cảnh tỉnh Đồng Nai tiếp tục áp lực về trường, lớp, giáo viên so yêu cầu thực tiễn của sự phát triển đang đặt ra?
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai Trương Thị Kim Huệ: Chúng tôi sẽ tiếp tục quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực giáo dục đào tạo để chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức kinh tế và nhân dân nhận thức đúng về xã hội hóa và hiểu rõ, quán triệt thực hiện.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giao nhiệm vụ cụ thể, xem công tác xã hội hóa giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và lâu dài trong công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp. Tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể và tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác xã hội hóa giáo dục.
Tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm thuế đối với các cơ sở ngoài công lập theo quy định của pháp luật. Riêng đối với địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được cụ thể tại Nghị quyết số số 38/NQ-HĐND ngày 15/12/2023 thống nhất mức tiền miễn, giảm tiền thuê đất đối với dự án thực hiện xã hội hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Thực hiện các chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng theo chủ trương khuyến khích xã hội hóa giáo dục của pháp luật. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư được tiếp cận và được vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi đầu tư phát triển của nhà nước theo quy định hiện hành.
Các địa phương căn cứ danh mục công trình xã hội hóa giáo dục đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt để tổ chức mời gọi đầu tư công trình giáo dục trên địa bàn.
Tại các địa bàn có khả năng xã hội hóa cao, các địa phương tổ chức rà soát, đề xuất các vị trí đất giáo dục đã được đầu tư xây dựng tại vị trí khác hoặc các công trình giáo dục do sáp nhập, quy hoạch lại không còn sử dụng để thực hiện tổ chức đấu giá, kêu gọi đầu tư giáo dục theo chủ trương xã hội hóa.
Một ngôi trường được đầu tư từ nguồn xã hội hóa ở thành phố Biên Hòa. |
Phóng viên: Từ việc thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục ở Đồng Nai, đồng chí có những kiến nghị gì với các bộ, ngành Trung ương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc?
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai Trương Thị Kim Huệ: Ngày 26/5/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, quy định diện tích đất cho các bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đều chia theo khu vực thành thị và nông thôn. Tuy nhiên, riêng bậc trung học phổ thông lại chỉ quy định chung 10m2/học sinh trong khi quỹ đất tại khu vực các đô thị không còn nhiều nên gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc bảo đảm điều kiện đất đai để đầu tư dự án xã hội hóa giáo dục.
Do vậy, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, điều chỉnh quy định về diện tích đất của trường trung học phổ thông quy định tại Thông tư số 13 theo hướng có quy định riêng giữa khu vực đô thị và vùng nông thôn, trong đó khu vực thành thị yêu cầu diện tích đất thấp hơn khu vực nông thôn để hỗ trợ tốt hơn cho các nhà đầu tư thực hiện dự án xã hội hóa giáo dục, nhất là trong điều kiện quỹ đất của khu vực đô thị hiện nay khá hạn hẹp.
Hiện nay, theo Luật Giáo dục 2019 (điểm c, khoản 1 Điều 47) có quy định mô hình trường tư thục không vì mục đích lợi nhuận. Tuy nhiên, các hướng dẫn, quy định cũng như ưu đãi cho loại hình này chưa có nên khó khăn cho các địa phương trong việc thực hiện. Do vậy, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, tham mưu hướng dẫn, quy định cũng như ưu đãi cho loại hình này để thuận lợi cho các địa phương khi triển khai thực hiện.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc phỏng vấn này.
Nguồn: https://nhandan.vn/dong-nai-tiep-tuc-day-manh-xa-hoi-hoa-giao-duc-post826798.html