Bỏ phố về quê làm nông nghiệp
Sinh năm 1994, tốt nghiệp Trường đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, sau nhiều năm làm việc tại thành phố mang tên Bác, anh Công quyết định “bỏ phố về quê” làm nông nghiệp.
Anh Công chia sẻ câu chuyện trồng hoa lan trên đất Bình Phước: Ban đầu, tôi xin vào làm tại trang trại trồng hoa ở huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh vì đúng ngành học của mình. Sau đó, thấy lợi nhuận ngành hoa mang lại cho người trồng, tôi chú tâm học tập kinh nghiệm từ chủ vườn và nuôi ý định trồng hoa tại quê nhà Bình Phước.
Sau khi cân nhắc, loài hoa được anh Công lựa chọn là lan mokara. Đây là loài hoa có nhiều ưu điểm như: đẹp, cánh to, nhiều hoa trên một cành, màu sắc rực rỡ, ra hoa gần như quanh năm.
Cây rất khỏe, phát triển mạnh về chiều cao, lá dài nhưng không bó chặt vào thân, cây ra rễ nhiều và nhanh, ít bị nhiễm sâu bệnh.
Đặc biệt, loài hoa này rất thích hợp với khí hậu Bình Phước. Được sự ủng hộ từ gia đình, năm 2019, anh Công nghỉ việc rồi về quê khởi nghiệp.
Thu nhập ổn định từ lan mokara
Lan mokara trồng khoảng 6 tháng đã cho hoa, nhưng sản lượng đạt cao nhất phải khi đủ 1 năm tuổi.
Ban đầu, bằng nguồn vốn của gia đình, anh Công xây dựng vườn trồng hơn 1.000m2 đất. Để tiết kiệm chi phí, anh tự làm tất cả công đoạn từ dựng khung nhà lưới đến xây dựng bồn trồng hoa.
Theo anh Công, loài hoa này ưa nắng nhưng cần dựng nhà lưới, sử dụng lưới đen để che giảm khoảng 50% ánh nắng và ngăn sự gây hại từ côn trùng. Tiếp theo là làm các luống hoa, mỗi luống có thể trồng từ 2-3 hàng, rộng từ 60cm-1,2m/luống.
Sau đó, chuẩn bị giá thể là vỏ đậu phộng, khi mua về phải xử lý mầm bệnh trước khi đưa vào luống trồng. Sau 1 năm trồng thử thấy hiệu quả, anh mở rộng vườn thứ hai rộng khoảng 1.500m2.
“Trồng loài hoa này không khó, nhưng phải nắm vững kỹ thuật. Đồng thời, biết các loại bệnh thường gặp để kịp thời xử lý thì vườn sẽ phát triển tốt” – anh Công chia sẻ.
Anh Trần Chí Công (bìa trái) chia sẻ kinh nghiệm trồng lan mokara với lãnh đạo xã Tân Hưng, huyện Hớn Quảng (tỉnh Bình Phước) và đoàn viên thanh niên trên địa bàn.
Mỗi tháng lan mokara ra hoa một lần, mỗi cây từ 2-3 cành hoa. Loài hoa này khoảng 2 tháng mới tàn, nhiều màu sắc nên được các tiệm hoa ưa chuộng. Hiện vườn lan mokara của anh Công đang cung ứng cho các shop hoa tại Bình Long, Phước Long, Hớn Quản.
Giá lan mokara dao động từ 5.000-7.000 đồng/cành. Với giá bán này, người trồng có thể thu hồi vốn đầu tư sau hơn 1 năm vườn cho thu.
Thời gian thu hoạch lan mokara tương đối dài có thể từ 5-6 năm, đến khi cây lan già cỗi mới nhổ bỏ trồng lại. “Vườn hoa của tôi luôn “cháy hàng”, không đủ để cung cấp cho thị trường” – anh Công vui vẻ.
Để giảm sức lao động, tạo sự đồng bộ trong chăm sóc nhằm đem lại năng suất cao, anh Công đã lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động.
Thành công với mô hình của mình, anh Công sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc lan mokara cho đoàn viên thanh niên và người dân xung quanh.
Bà Nguyễn Thị Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết: “Trồng lan công nghiệp là mô hình kinh tế mới tại Tân Hưng, đáp ứng chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại địa phương. Từ hiệu quả mô hình này, chúng tôi hy vọng đoàn viên thanh niên, nông dân sẽ học hỏi kinh nghiệm, áp dụng trên các diện tích đất phù hợp từ đó nâng cao thu nhập gia đình”.
Từ mô hình trồng hoa lan thương phẩm của anh Trần Chí Công cho thấy, đây là loài hoa thích hợp với khí hậu Bình Phước, có thể nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh Công cho biết có kế hoạch mở rộng diện tích vườn lan mokara để cung cấp ra thị trường. Bên cạnh đó, phát triển thêm nhiều dòng lan khác để tạo sự đa dạng, phong phú cho vườn lan.
Theo anh Công, khởi nghiệp từ nông nghiệp bao giờ cũng khó khăn nhưng nếu có sự quyết tâm, quyết đoán thì chắc chắn sẽ thành công.
“Nhắc đến hoa lan, nhiều người nghĩ tới các nhà vườn ở Ðà Lạt (tỉnh Lâm Ðồng). Thế nhưng, riêng lan mokara không phù hợp xứ lạnh mà lại ưa nắng nóng. Trong khi tại Bình Phước chưa có nhiều vườn trồng loài hoa này.
Nếu trồng thành công tại Bình Phước, mình sẽ cạnh tranh được với nguồn cung cấp hoa từ nơi khác do lợi thế về giá cả vì không mất nhiều chi phí vận chuyển. Ðây là lý do chính khiến mình quyết định trồng lan mokara”, anh Trần Trí Công, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.
Nguồn: https://danviet.vn/trong-lan-quy-toc-lan-mokara-hoa-tuon-nhu-suoi-anh-nong-dan-binh-phuoc-co-luong-tot-20240830185347527.htm