Vui lòng khách đến
Được coi là trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc, bước vào đợt cao điểm cuối của năm du lịch 2024 nên các đơn vị tham gia làm du lịch tại Thái Nguyên đã có sự chuẩn bị tích cực, sẵn sàng đón tiếp du khách. Thái Nguyên có hơn 1.000 di tích đã được kiểm kê; 550 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm đếm… 535 cơ sở lưu trú và nhiều sản phẩm độc đáo cùng lòng người hồn hậu, các khu, điểm đến của “đất thép, xứ trà” sẽ là nguồn cảm hứng không có giới hạn cho du khách về tham quan, trải nghiệm và “chữa lành” để trở về với cuộc sống lạo động, học tập hiệu quả hơn sau một kỳ nghỉ.
Ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên nhận định, tại các khu, điểm đến và các đơn vị hoạt động ở dịch vụ ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chắc chắn có lượng khách tăng mạnh. Chủ yếu là khách nội tỉnh, như gia đình đưa nhau “ra khỏi nhà” đi tham quan; các bạn trẻ rủ nhau đi livestream, họp lớp, họp bạn đồng ngũ, đồng niên… Các khu, điểm đến có không gian tự nhiên thoáng rộng, đẹp mắt luôn phù hợp với các hoạt động trải nghiệm của người ở mọi độ tuổi.
Hầu hết doanh nghiệp làm du lịch tỉnh Thái Nguyên, như khách sạn, nhà nghỉ, homestay, nhà hàng… đã lên chương trình đón tiếp, phục vụ du khách từ gần 1 tháng nay. Các khách sạn, nhà nghỉ có sự đầu tư thay thế những đồ dùng cũ như chăn, ga, gối, đệm; lặp đặt thêm hệ thống wifi, “chỉnh huấn” phong cách tiếp đón, phục vụ của đội ngũ nhân viên. Nhiều điểm đến như: hồ Ghềnh Chè, xã Bình Sơn (TP. Sông Công), Điểm du lịch sinh thái Phượng Hoàng, xã Phú Thượng (Võ Nhai), Điểm du lịch sinh thái xóm Đồng Khuôn, xã Hoàng Nông (Đại Từ)… đều làm mới sản phẩm bằng cách trồng mới những luống hoa; vườn bãi, sân chơi trải nghiệm được vệ sinh sạch đẹp, hứa hẹn cho du khách đến trải nghiệm cảm nhận được mình đang sống trong một môi trường cảnh quan có không khí trong lành.
Một số doanh nghiệp làm du lịch có kế hoạch thưởng “nóng” trong trường hợp nhân viên phục vụ lập thành tích xuất sắc. 100% cơ sở phục vụ đều có bảng niêm yết giá dịch vụ, cam kết thu đúng giá dịch vụ đã niêm yết. Để thu hút du khách, nhiều doanh nghiệp đưa ra cơ chế ưu đãi giảm giá dịch vụ từ 10-20% trên tổng giá đã niêm yết.
Sắc màu ấn tượng
Từ ngày 31.8-3.9, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn du khách trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2.9.
Chương trình có sự tham gia của gần 300 nghệ nhân, đồng bào, nghệ sĩ, diễn viên quần chúng. Trong đó có hơn 100 đồng bào của 16 dân tộc đang hoạt động hằng ngày là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc: Nùng, Tày (Thái Nguyên); Dao (thành phố Hà Nội); Mông (Hà Giang); Mường (Hòa Bình); Lào, Thái, Khơ Mú (Sơn La); Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); Ba Na, Gia Rai (Gia Lai); Xơ Đăng (Kon Tum), Raglai (Ninh Thuận), Ê Đê (Đắk Lắk), Khmer (Sóc Trăng). Bên cạnh đó, chương trình còn có khoảng 70 đồng bào của các dân tộc Thái, Mông, Tày, Nùng đến từ 2 tỉnh Sơn La và Thái Nguyên tham gia các hoạt động. Có thể thấy, Thái Nguyên vinh dự được chọn là địa phương có nhiều hoạt động hấp dẫn, ấn tượng tại chương trình nói trên.
Hoạt động điểm nhấn trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2.9 với chủ đề: “Vui Tết Độc Lập” gồm tái hiện chợ phiên “Sắc màu vùng cao”. Tại đây, giới thiệu nghệ thuật múa khèn của dân tộc Mông, tỉnh Thái Nguyên; Trình diễn giã bánh dày của dân tộc Mông, tỉnh Thái Nguyên; Chương trình dân ca, dân vũ “Vui Tết Độc Lập;” tái hiện lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Nùng, tỉnh Thái Nguyên; Tái hiện nghi lễ gội đầu của dân tộc Thái, tỉnh Sơn La…
Ông Lê Ngọc Linh (Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, Phó Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên) cho biết, để đảm bảo an toàn cho kỳ nghỉ, Sở đã sớm ban hành văn bản đề nghị các cấp, ngành liên quan tích cực phối hợp, đảm bảo an toàn cho du khách về an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm; không để xảy ra hiện tượng “chặt chém” gây ảnh hưởng đến uy tín của du lịch Thái Nguyên.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/bung-sang-cac-hoat-dong-don-tet-doc-lap-i386555/