Hội thảo là cơ sở để Ban Tuyên giáo T.Ư cùng các cơ quan, ban, ngành đánh giá, tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”; đồng thời đưa ra đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành xuất bản ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí & Tuyên truyền nhận định, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động sâu sắc đến các khía cạnh của đời sống xã hội, tạo ra thời cơ và thách thức đối với công tác xuất bản nói chung và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành xuất bản nói riêng, trong đó thách thức có phần nhiều hơn.
Đặc biệt, chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản diễn ra mạnh mẽ, làm thay đổi căn bản hoạt động của toàn ngành trên các bình diện như: quy trình xuất bản được rút ngắn; phương thức xuất bản thay đổi; phương thức kinh doanh xuất bản truyền thống chuyển sang phương thức kinh doanh trực tuyến; hoạt động sáng tạo và phân phối nội dung chuyển sang các dịch vụ nội dung toàn cầu, tăng cường trải nghiệm cho độc giả… Những điều này đã đặt ra yêu cầu phải đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành xuất bản.
Theo PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, bên cạnh những thành công, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành xuất bản trong những năm qua vẫn còn một số hạn chế, kết quả đào tạo chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Hiện có 4/450 trường đại học ở Việt Nam có đào tạo về xuất bản, in và phát hành. Điều đó cho thấy sức hút của ngành xuất bản có phần yếu thế hơn so với các ngành báo chí – truyền thông ở khía cạnh thu nhập và tính năng động.
Nhiều nội dung đào tạo rất cấp thiết hiện nay, như: công nghệ xuất bản, công nghệ truyền thông, quản trị mạng, kinh doanh xuất bản phẩm… đều là những vấn đề mới, khó, nhưng thời gian và các điều kiện đào tạo cần thiết (cơ sở vật chất – kỹ thuật, đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học đầu ngành) còn thiếu thốn.
Bên cạnh đó, phương pháp đào tạo ở một số nơi, một số lúc còn chậm đổi mới, chưa áp dụng đồng bộ, chưa phát huy được hết tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Thời gian dành cho các hoạt động thực nghiệm, thực hành, thực tế tuy đã được tăng cường nhưng chưa đủ đáp ứng yêu cầu.
Hội thảo đã nhận được gần 70 tham luận và lắng nghe 8 báo cáo tham luận trực tiếp cùng nhiều ý kiến thảo luận sâu sắc, tâm huyết của các nhà khoa học, nhà chuyên môn, trong đó đều thống nhất: đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là nhiệm vụ then chốt, có tính chất quyết định đến sự phát triển của ngành xuất bản ở Việt Nam trong thời kỳ mới.
Các ý kiến cũng chỉ rõ những tiêu chí đánh giá và các yếu tố tác động đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành xuất bản Việt Nam hiện nay, tìm hiểu kinh nghiệm đào tạo nhân lực ngành xuất bản của các nước trên thế giới.
Trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh, xu hướng phát triển của ngành xuất bản, các nhà khoa học đã gợi mở, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành xuất bản trong thời gian tới.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/nang-cao-chat-luong-nhan-luc-nganh-xuat-ban-yeu-cau-cap-bach-tu-thuc-tien.html