Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về việc thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 gắn với việc nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng đặc dụng, từ năm 2021 đến năm 2024, Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với UBND các xã vùng đệm khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng triển khai thực hiện hoạt động hỗ trợ 34 cộng đồng xóm bản vùng đệm với tổng kinh phí 1.360 triệu đồng. Các xóm bản có kết quả bảo vệ rừng tốt được đánh giá, xem xét hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cao năng lực phát triển sản xuất, mua sắm hàng hoá, trang thiết bị phục vụ các công trình công cộng của cộng đồng, từng bước cải thiện cơ sở vật chất, hạ tầng cơ sở, nâng cao chất lượng cuộc sống, tinh thần cho cộng đồng.
Thông qua chương trình hỗ trợ các cộng đồng vùng đệm, Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đã chi hỗ trợ mỗi cộng đồng số tiền 40 triệu đồng/năm để đầu tư nâng cao năng lực phát triển sản xuất bao gồm: công tác khuyến nông, khuyến lâm, cấp giống cây, giống con, thiết bị chế biến nông, lâm sản quy mô nhỏ; hỗ trợ vật liệu xây dựng đối với các công trình công cộng của cộng đồng như nước sạch, điện chiếu sáng vùng nông thôn, thông tin liên lạc, đường giao thông, nhà văn hóa…
Theo đánh giá, đến nay hiệu quả của chương trình hỗ trợ đã được phát huy, ý thức bảo vệ rừng của người dân vùng đệm từng bước được nâng cao, không còn tình trạng người dân xâm hại tới rừng, trong những năm gần đây tình trạng vi phạm Luật lâm nghiệp, xâm hại đa dạng sinh học tại Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên giảm đáng kể.
Các hạng mục hỗ trợ được đánh giá là kịp thời, cần thiết, đáp ứng so với nhu cầu của Nhân dân; góp phần làm thay đổi về nhận thức, tạo sự gắn kết, tin tưởng và tăng cường trách nhiệm của Nhân dân vùng đệm đối với công tác quản lý bảo vệ rừng và lực lượng quản lý bảo vệ rừng Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên.
Tuy nhiên, để kịp thời động viên, khuyến khích Nhân dân gắn bó với rừng hơn nữa, Nhà nước vẫn cần có thêm những chính sách hỗ trợ phù hợp cho người dân sinh sống trong khu vực vùng đệm; đồng thời, tạo sinh kế bền vững để giúp họ yên tâm sản xuất và có điều kiện để tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng tốt hơn.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/ho-tro-nguoi-dan-vung-dem-tham-gia-quan-ly-bao-ve-rung-i386556/