Vừa rẽ vào con hẻm 194 đường Võ Văn Tần (TP.HCM), thực khách liền có thể cảm nhận mùi thơm lan tỏa từ một quán bò kho nhỏ.
Trước cửa tiệm có chiều rộng khiêm tốn, nơi nấu bò kho đã ít nhiều ám màu nâu của khói sau hơn 30 năm.
Đây chính là tiệm bò kho mang hương vị hai nước Việt – Ấn của gia đình anh Sâu Ngọc Lam Sơn.
Bò kho Việt – Ấn từ mối duyên của ông bà
Anh Sơn cho biết ban đầu quán do ông bà ngoại anh mở ra vào năm 1993. Ông ngoại là người Ấn, còn bà là người Việt Nam. Từ đó, hương vị bò kho Việt – Ấn cũng ra đời.
Công thức ấy được gìn giữ suốt thế hệ của ông bà, sau thì để lại cho ba mẹ của anh Sơn. Gần đây mẹ mất nên anh Sơn nhận vai trò bán chính.
Từ 6h sáng mỗi ngày, gia đình nhỏ đã bắt tay vào các công đoạn chuẩn bị.
Ba anh Sơn là người đi chợ để mua nguyên liệu. Vì cách nấu bò kho của tiệm đòi hỏi một số thành phần đặc biệt để tạo ra vị Ấn trong món, nên nguồn hàng cũng là mối quen từ Ấn Độ nhập về Việt Nam.
Công đoạn nấu nước lèo được ưu tiên trước hết. Anh Sơn cho biết đây là bước cực nhất, buộc người nấu không được lơ là, liên tục canh và khuấy từ 5 – 6 tiếng.
Anh lựa chọn loại thịt không quá dai cũng không quá mềm. “Quán bán lâu nên người lớn tuổi ăn ở đây rất nhiều. Nếu thịt dai thì họ không ăn được” – anh Sơn chia sẻ.
Từ hương vị cho đến mùi thơm của thịt bò đều được tạo nên bởi các nguyên liệu có trong nồi nước lèo. Vì thế, vừa để thịt chín dần trong nồi cho thấm gia vị, vừa phải đảm bảo thịt không quá dai.
Kể cả việc cắt thịt cũng đòi hỏi sự tỉ mẩn. Anh Sơn cho hay đối với một miếng thịt to, người nấu cần xác định thớ thịt và cắt theo chiều ngược lại để đảm bảo độ ngon cho người ăn.
Mùi hương vừa quen, vừa lạ
Khi một tô bò kho còn tỏa khói được đặt trên bàn, thực khách khó lòng phân biệt điểm khác biệt so với bò kho của Việt Nam.
Trong tô là rau, cà rốt, thịt, gân, mỡ… cùng một màu cam đỏ kích thích niềm nhớ món bò kho truyền thống Việt.
Món bò kho ăn ở đây được phủ lên một lớp mỡ áo óng ánh, khiến ai nhìn vào cũng khó lòng cưỡng lại cơn thèm.
Rau, giá và một số gia vị khác đều được giữ cho giống với bò kho Việt Nam – Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG
Ăn vào liền có thể cảm nhận mùi hương vừa quen, vừa lạ, xen lẫn món bò kho của Việt Nam và man mác hương thơm nồng trong ẩm thực của Ấn Độ.
Với thói quen của người Việt, người ăn thường sẽ nặn một ít chanh và thêm rau thơm, ngò gai, giá trước khi ăn.
Thịt có độ săn chắc, nồng, đậm đà nhưng không quá thiên về độ ngọt hay mặn trong lối nấu ăn của người Ấn.
Bên cạnh đó, người ăn có thể tùy ý lựa chọn món để dùng chung với bò kho như bánh mì, mì gói, phở…
Anh Sơn cho biết công thức nêm nếm những tô bò kho hiện tại có sự điều chỉnh so với nguyên bản của người Ấn.
“Làm đúng theo kiểu người Ấn sẽ rất khó ăn, do vị của bò kho bị gắt và nồng, nhưng từ trong thịt bò sẽ có một mùi rất thơm” – anh Sơn nói.
Tuy nhiên, mặc dù có điều chỉnh đôi chút nhưng hầu hết cách nấu, nếm đều giữ nguyên theo công thức của bà và mẹ, không làm mất đi hương vị gia truyền.
Nguồn: https://tuoitre.vn/co-mot-quan-bo-kho-di-ut-an-do-trong-con-hem-sai-gon-20240830194256609.htm