DNVN – Theo chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cần có đánh giá tác động toàn diện chứ không chỉ nhằm vào việc tăng giá, giảm tiêu dùng, dẫn đến giảm sản xuất, thậm chí ngừng sản xuất.
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến trình
Quốc hội vào tháng 10 tới đây và thông qua vào tháng 5/2025. Một trong những nội
dung quan trọng của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là tăng thuế
suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia liên tục từ năm 2026 và
đến năm 2030 sẽ chịu thuế suất lên tới 100%.
Cụ thể, Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đề xuất
hai phương án đánh thuế với mặt hàng rượu bia. Cơ quan soạn thảo là Bộ Tài
chính đang nghiêng về phương án 2. Đó là: rượu từ 20 độ trở lên sẽ áp thuế 80% vào
năm 2026, tăng dần lên 100% vào 2030; rượu dưới 20 độ chịu thuế 50%, sau đó
tăng lên cao nhất 70%; thuế suất đối với bia cũng tăng dần, từ 80% lên 100%.
Theo chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu, nhìn tổng thể, việc
tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia là cần thiết để thể chế hóa chủ
trương, yêu cầu của Đảng, Nhà nước và theo xu hướng chung. Việc đánh thuế
theo phương pháp thuế tương đối cũng phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.
Chuyên gia Phan Đức Hiếu cho rằng, sản phẩm bia và rượu khác nhau nên kịch bản đánh thuế cần khác nhau.
Tuy vậy, cần có đánh giá tác động toàn diện, chứ
không chỉ nhằm vào việc tăng giá, giảm tiêu dùng, dẫn đến giảm sản
xuất; thậm chí ngừng sản xuất và kéo theo vấn đề việc làm, các ngành
hàng liên quan cũng bị ảnh hưởng.
“Cần thống nhất quan điểm rằng đánh thuế để hạn chế
tiêu dùng dẫn đến hạn chế sản xuất, chứ không phải là dừng và đóng
cửa sản xuất. Sản xuất có thể bị thu hẹp, song phải ở phạm vi vẫn
có thể tăng trưởng chứ không phải là bị dừng hoàn toàn, bị đào thải”,
ông Hiếu nhấn mạnh; đồng thời cho rằng, mục tiêu tăng thuế không phải
chỉ dừng ở việc tăng giá bán giúp hạn chế tiêu dùng. Như thế là chưa
đủ, mà còn phải tính đến ảnh hưởng tới các ngành khác, vì rượu,
bia là ngành có tính lan tỏa.
Cũng theo ông Hiếu, vấn đề khó nhất trong đánh thuế
tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia là mức thuế bao nhiêu và lộ
trình từ năm nào? Sản phẩm bia và rượu khác nhau nên kịch bản đánh
thuế cần khác nhau. Mẫu số chung là phải đặt mục tiêu doanh nghiệp vẫn
duy trì sản xuất, kinh doanh hiệu quả, hợp lý.
Trên cơ sở đó, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc lộ trình đánh
thuế theo hướng kéo giãn hơn so với đề xuất như dự thảo luật. Đó là nên bắt đầu
từ sau năm 2026, để doanh nghiệp có thời gian thay đổi, cơ cấu lại hoạt động sản
xuất kinh doanh, thích ứng với chính sách thuế mới.
Về mức thuế, ông Hiếu khuyến nghị cần tính toán hết sức
cẩn thận. Đối với ngành bia, nên cân nhắc lộ trình tăng thuế (từ năm 2027)
và mức tăng không quá đột ngột, tránh dẫn đến người ta ngừng uống. Bởi nếu
doanh nghiệp ngừng bán bia sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất, công ăn việc
làm. Riêng với bia 0 độ, không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tương tự, với thị trường rượu, cũng cần cân nhắc giãn lộ
trình bắt đầu tăng thuế từ 2027, thay vì từ 2026. Về mức độ đánh thuế, ông Hiếu
đề nghị cần cân nhắc hai vấn đề.
Hiện thị trường rượu thủ công rất lớn, chưa kể nhóm rượu
phi chính thức. Nếu mức thuế tăng quá cao khiến chi phí tăng quá lớn,
người uống rượu sẽ tìm sang sản phẩm rượu thủ công, trong khi quản lý sản phẩm
này còn hạn chế, khó bảo đảm yêu cầu chất lượng. Như vậy, tính hiệu qủa của
chính sách thuế là giảm uống rượu sẽ không đạt được, thậm chí còn khiến
rượu chính thức gặp bất lợi hơn so với rượu thủ công, rượu phi chính thức.
Cơ quan soạn thảo cần làm rõ vì sao phân chia rượu trên 20 độ
và dưới 20 độ để áp thuế khác nhau. Bởi nếu không cẩn thận, rượu mạnh có thể được
uống ít hơn, song lại dẫn đến sử dụng rượu thấp độ gia tăng. “Khi một chính
sách đưa ra không nên tạo thuận lợi cho nhóm đối tượng này hơn nhóm
đối tượng khác, mà cần bảo đảm công bằng. Vì thế, việc phân định độ
cồn trong rượu cần tính toán kỹ để bảo đảm sự công bằng”, ông Phan Đức
Hiếu đề nghị.
Ngân Hà
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/chuyen-gia-phan-duc-hieu-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-can-het-suc-can-than/20240830070925749