Đó là nội dung chính tại Diễn đàn liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa giữa thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) và huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) lần thứ nhất vừa diễn ra chiều nay ( 30/8) tại Thị xã Sa Pa trước thềm khai mạc lễ hội mùa Thu Sa Pa 2024, với chủ đề “Cung đường kết nối di sản ruộng bậc thang”.
Toàn cảnh hội thảo
Tham dự chương trình có lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Lào Cai; Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai; đoàn công tác huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái); lãnh đạo Thị ủy – UBND thị xã Sa Pa; đại diện các doanh nghiệp, hộ dân sinh sống trên di tích danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa và Mù Cang Chải.
Diễn đàn là hoạt động nhằm cụ thể hóa Biên bản ghi nhớ ngày 12/1/2024 giữa Ban Thường vụ Huyện ủy Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) và Ban Thường vụ Thị ủy Sa Pa (tỉnh Lào Cai) về định hướng hợp tác phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, giai đoạn 2024 2028.
Các đại biểu tham gia hội thảo
Tại diễn đàn, đại diện các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, người dân của hai địa phương đã tham gia trao đổi, thảo luận về thực trạng và giải pháp phát triển tuyến du lịch “Cung đường Di sản ruộng bậc thang”; những kinh nghiệm, ý tưởng sáng tạo trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di tích văn hóa của hai địa phương nói chung và di tích danh thắng ruộng bậc thang nói riêng; giải pháp xây dựng thương hiệu và chiến lược quảng bá dịch vụ du lịch tại khu vực Di sản ruộng bậc thang tại Sa Pa và Mù Cang Chải. Thông qua chương trình, thị xã Sa Pa và huyện Mù Cang Chải có thêm những giải pháp hữu hiệu, khả thi, từ đó làm căn cứ xây dựng kế hoạch hành động chung để cùng nhau tạo một hành trình mới – một “Cung đường kết nối di sản” vừa đem lại nguồn sinh kế bền vững cho cộng đồng sinh sống trên di tích, vừa góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, làm giàu thêm cho di sản của cả hai địa phương.
Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh về Sa Pa và Mù Cang Chải
Chương trình hợp tác giữa thị xã Sa Pa và huyện Mù Cang Chải không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ di sản văn hóa và thiên nhiên cho các thế hệ tương lai. Việc kết nối giữa hai địa phương có nhiều nét tương đồng về văn hóa và cảnh quan thiên nhiên tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, đa dạng, góp phần nâng cao vị thế du lịch của cả hai vùng trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế.
Diễn đàn Liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Sa Pa và Mù Cang Chải là một trong những hoạt động mở đầu cho Lễ hội mùa Thu Sa Pa năm 2024. Trong Lễ khai mạc Lễ hội mùa Thu, diễn ra vào 20h00’ cùng ngày tại Sân Quần, Sa Pa sẽ đón nhận Bằng di tích danh thắng cấp tỉnh đối với thác Bạc, đỉnh Fansipan.
Ngoài ra, Lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn khác như Ngày hội Văn hóa bản Mông Kỳ tại điểm du lịch Cát Cát, xã Hoàng Liên; Chương trình biểu diễn Xiếc nghệ thuật “Mường Hoa cổ tích” diễn ra từ ngày 31/8 – 02/9/2024 tại Làng ẩm thực Quốc tế; Lễ hội Mùa Vàng Bản Mây từ 17/8 – 01/9/2024 tại Bản Mây (Ga đi cáp treo Fansipan); Đêm hội Trăng rằm năm 2024 tổ chức ngày 14/9 (tức 12/8 âm lịch) tại sân Quần, thị xã Sa Pa; Giải Marathon vượt núi Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 20 – 22/9/2024; Giải Tennis “Sa Pa mùa vàng” diễn ra trong 02 ngày 31/8 – 01/9/2024 tại sân Tennis Sa Pa.
Đến với Ngày hội Văn hóa bản Mông Kỳ, du khách sẽ được hòa mình vào các trò chơi dân gian, xem trình diễn các nghề thủ công truyền thống dân tộc Mông như rèn đúc nông cụ, chạm khắc bạc, se lanh, dệt vải, nhuộm chàm, vẽ hoa văn sáp ong trên vải lanh, nghề đan thồ, bện hài, gian hàng ẩm thực xôi ngũ sắc; tìm hiểu quá trình làm cốm và thưởng thức các món ăn từ cốm; tham gia các trò chơi dân gian của cộng đồng các dân tộc thiểu số Sa Pa.
Bài, ảnh: Xuân Quỳnh