Khẳng định ngay trong Lời nói đầu của bản Hiến pháp
Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi đã lật đổ và xóa bỏ hoàn toàn chế độ chính trị thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay Nhân dân, đưa dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới quyền độc lập của Việt Nam, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”.
Tiếp thu tinh hoa cách thức tổ chức nhà nước của các quốc gia trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm tư duy chiến lược, nhìn xa trông rộng đã chuẩn bị từ rất sớm mô hình nhà nước dân chủ ở nước ta sau khi giành độc lập. Trong tác phẩm Đường cách mệnh (1927) Người viết: “… làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều… thế dân chúng mới được hạnh phúc”.
Tư tưởng “dân chúng số nhiều” và hạnh phúc được Người áp dụng ngay sau khi lập nước bằng nỗ lực tổ chức xây dựng chính quyền địa phương công bộc của dân với các nhân tố cốt lõi của nền hành chính mới: Xác lập thể chế; giáo dục đạo đức công vụ cho cán bộ; phòng, chống tha hóa quyền lực. Người chủ trương “Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân” và khẳng định chủ trương này ngay trong Lời nói đầu của bản Hiến pháp năm 1946.
Bảo vệ chính quyền Nhân dân
Cùng với khẩn trương xây dựng dự thảo Hiến pháp dân chủ và Tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định xác lập ngay thể chế tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Người ký ban hành nhiều sắc lệnh nhằm xây dựng một nhà nước theo tinh thần dân chủ, tiến bộ, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp. Trong đó, có Sắc lệnh 63-SL ngày 22.11.1945 và Sắc lệnh 77-SL ngày 21.12.1945 về tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính ở các xã, huyện, tỉnh và kỳ, thành phố, thị. Đây là hai văn bản pháp lý đầu tiên trong lịch sử lập pháp nước ta về chính quyền địa phương để hiện thực hóa các giá trị của nền dân chủ vào đời sống chính trị xã hội ở cơ sở. Hai Sắc lệnh này cùng tác phẩm “Cách tổ chức các Ủy ban nhân dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (11.9.1945) là nền tảng thể chế chính quyền địa phương và là nguồn pháp luật có giá trị đặc biệt của quốc gia.
Sau khi hình thành nền công vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là phải lựa chọn cán bộ, giáo dục đạo đức công vụ và huấn luyện cho đội ngũ cán bộ, Người chỉ rõ: “…không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”, “Các Ủy ban nhân dân làng, phủ là hình thức Chính phủ địa phương phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui vào lọt các Ủy ban đó”. Phải chọn những người có chí khí trong đấu tranh, liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu dân chúng, luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng; những người quyết đoán, gan góc, không sợ khó khăn gian khổ khi phụ trách công việc và luôn giữ đúng kỷ luật… như thế mới được dân tin, dân yêu. Người căn dặn phải biết tùy tài mà dùng người, thường xuyên bồi dưỡng lý luận cho cán bộ, “chỉ thực hành mà không có lý luận cũng như có một mắt sáng, một mắt mù”.
Người cũng đã nhìn thấy những căn bệnh mãn tính của các Nhà nước khác và cảnh báo sớm “những cái xấu xa, thối nát”, vấn nạn chạy chức, chạy quyền, “vác mặt làm “quan cách mạng”, cậy thế, tư túng, tham ô, hủ hóa, gây bè tìm cánh và cho rằng: “Phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì” để phòng, chống tha hóa quyền lực, bảo vệ chính quyền nhân dân.
Tăng cường trách nhiệm cán bộ, giám sát trực tiếp của Nhân dân
79 năm hành trình lịch sử dân tộc, Nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng trước những thành tựu to lớn về kinh tế – xã hội; về cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước và những kết quả tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng, chống “giặc nội xâm”. Năm 2023, quy mô GDP của Việt Nam đạt khoảng 433,3 tỷ USD, xếp thứ 5 khu vực và thứ 34 thế giới (theo Tổ chức CEBR). Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS 2023) ở mức 82,7%, đứng đầu là các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương. Chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam xếp hạng 83/180 nước (theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế – TI).
Bước vào giai đoạn cách mạng mới, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng chính quyền địa phương mạnh mẽ và sáng suốt, liêm chính, vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh, yêu cầu đặt ra phải tăng cường hơn nữa công tác giám sát, kiểm soát quyền lực Nhà nước ở chính quyền địa phương, nhất là công tác cán bộ.
Để có cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện cơ chế Nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực nhà nước theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 của Đảng; trước hết, cần sớm tổ chức tổng kết khoa học về công tác cán bộ của chính quyền địa phương, có sự tham gia phản biện xã hội của người dân. Từ đó, nghiên cứu, hoàn thiện thể chế Nhân dân tham gia quá trình lựa chọn, đề bạt và đánh giá cán bộ; đổi mới cơ chế bầu cử; nghiên cứu việc bỏ phiếu bầu cử của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài… Tổ chức thực hiện thí điểm ở từng cấp chính quyền địa phương.
Khi bàn về công tác cán bộ chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng, Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Công tác nhân sự phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan, đặc biệt phải “có con mắt tinh đời”. Muốn có được “con mắt tinh đời” đó, phải dựa vào Nhân dân vì “Nhân dân biết cả đấy!”. Và thời gian chính là sự kiểm chứng lòng dân.
Thứ nữa, phải thường xuyên kiểm tra, giáo dục đội ngũ cán bộ chính quyền địa phương tuân thủ cách làm việc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách, tập hợp trí tuệ của tập thể theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thời gian qua, bài học đắt giá việc hàng loạt cán bộ chủ chốt, đứng đầu chính quyền một số địa phương bị kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật đều có điểm chung rất nguy hiểm, đó là coi thường nguyên tắc tập trung dân chủ – nguyên tắc sống còn của tổ chức Đảng, Nhà nước ta. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do cán bộ tha hóa phẩm chất; do công tác giám sát, thanh, kiểm tra chưa hiệu quả; hoặc do những nhóm lợi ích đã vô hiệu hóa thanh tra, kiểm tra, thủ tiêu đấu tranh dưới vỏ bọc “tập thể hình thức”, nhằm hợp thức hóa sự độc đoán, lộng quyền, biến quyền lực được Nhân dân trao cho thành quyền lực cá nhân để trục lợi; và do chưa có cơ chế để người dân giám sát hiệu quả quyền lực mình đã trao. Một số ít người than “tiếc” vì “mất cán bộ”(!), còn đa phần người dân thì ngược lại, họ cho là được chứ không mất, vì càng loại bỏ những “quan cách mạng” và “giặc nội xâm” thì chính quyền càng mạnh hơn, đó là sự thải loại hợp quy luật, không việc gì phải “tiếc”.
Cuối cùng, sớm nghiên cứu thể chế hóa chủ trương của Đảng về xây dựng mô hình quản trị chính quyền địa phương phù hợp với từng địa bàn, nhằm tăng cường trách nhiệm cán bộ và sự giám sát trực tiếp của Nhân dân, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là cách tiếp cận mới chủ động và tích cực, đòi hỏi sự sáng tạo và linh hoạt trong tư duy cũng như quyết tâm chính trị đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết TW6 (Khóa XIII) của Đảng.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/hien-thuc-hoa-chinh-quyen-manh-me-sang-suot-vi%CC%80-dan-i386443/