Từ ngày 28-8, các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt từ 80% chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được điều chỉnh tăng thêm room tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng.
Trong báo cáo vừa công bố, bộ phận phân tích Chứng khoán VPBanks nhận định chính sách này sẽ là động lực cho các ngân hàng cạnh tranh hơn nữa trong việc giành room tín dụng và thị phần.
Do đó, chính sách lãi suất sẽ có xu hướng ưu đãi hơn, có lợi cho người đi vay nhưng có thể sẽ phải đánh đổi bằng thu nhập lãi thuần giảm nhẹ.
Từ công thức tính room tín dụng, chuyên gia Chứng khoán VPBanks cho biết các ngân hàng đã hoàn thành mức 80% trở lên (như ACB, HDB, LPB, TCB) sẽ được tăng lên mức 18 – 18,7% room tín dụng.
Về tăng trưởng tín dụng toàn ngành, VPBanks cho biết đến ngày 26-8-2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63% so với cuối năm ngoái. Mục tiêu của Chính phủ là 15%, tương đương với việc đẩy 8,37% đến hết năm.
Theo dự phóng của Chứng khoán VPBanks, nếu các ngân hàng đẩy được 90% room tín dụng được giao từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước không tăng lãi suất điều hành, GDP đạt 6%, tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể đạt 14,83%.
Còn theo đội ngũ phân tích Chứng khoán MB (MBS), nhóm ngân hàng thương mại quy mô lớn đang dẫn dắt tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống trong khi tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng quốc doanh vẫn đang chậm vì hoạt động trả trước tăng mạnh nhờ lãi suất thấp.
Chuyên gia MBS cho rằng một số ngân hàng có thể hy sinh lãi bằng cách giảm lãi suất cho vay, bao gồm: VPB, MBB, TCB và HDB.
Nhìn chung, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 14% trong năm 2024 với kịch bản tăng trưởng GDP là 6,5% cho cả năm, MBS dự báo.
Theo đó, cho vay bán lẻ dự kiến sẽ phục hồi mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm 2024 dẫn dắt bởi tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô nhờ hiệu ứng từ lãi suất cho vay thấp.
Đối với mảng khách hàng doanh nghiệp, MBS dự báo hoạt động nhập khẩu và xây dựng hạ tầng sẽ là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2024.
Ông Phạm Như Ánh – tổng giám đốc MBBank, cho biết tính đến ngày 28-8, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 10,44%, đạt 65,7% chỉ tiêu tăng trưởng được Ngân hàng Nhà nước giao đầu năm.
Theo văn bản điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng của Ngân hàng Nhà nước, MB dự kiến sẽ được tăng trưởng thêm 14.000 tỉ đồng.
Vừa qua nhiều đề xuất xóa bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, song ông Ánh lại cho rằng việc điều hành tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết.
Lý do là việc điều hành chỉ tiêu tăng trưởng là công cụ vĩ mô có hiệu quả để cơ quan quản lý theo dõi sát diễn biến, tình hình hấp thụ vốn thực tế của nền kinh tế để từ đó có các điều hành linh hoạt. Đồng thời hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Định giá cổ phiếu ngành ngân hàng đang thấp hơn trung bình 3 năm?
Chuyên gia MBS cho rằng định giá (chỉ số P/B) của ngành ngân hàng đang thấp hơn trung bình 3 năm và đỉnh năm 2021. Cổ phiếu nhiều ngân hàng được giao dịch dưới mức P/B toàn ngành, trừ VCB của Vietcombank và BID của BIDV.
Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng với nhóm cổ phiếu “vua” này vì lo ngại vấn đề chất lượng tài sản trong bối cảnh nợ xấu gia tăng và những khoản nợ xấu tiềm tàng tạm “ẩn” đi nhờ thông tư 02.
Nguồn: https://tuoitre.vn/lo-dien-4-ngan-hang-se-duoc-noi-room-tin-dung-len-muc-hon-18-20240830143957116.htm