Ánh sáng xanh là lớp học miễn phí của Đoàn Thanh niên phường 6, quận 4, TP HCM. Lớp được thành lập nhằm tạo điều cho các em nhỏ hoàn cảnh khó khăn có cơ hội học tập.
Lớp học nhỏ, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng chưa bao giờ các em nhỏ phàn nàn, bởi với các em, việc được đến lớp là khoảng thời gian trông chờ nhất trong ngày.
Vừa lau dọn lại kệ sách ở lớp, em Nguyễn Hoàng Bảo Long vừa tâm sự từ nhỏ em đã sống với bà ngoại. Nhờ xe gỏi cuốn của bà mà Long được đến trường, năm nay em bước vào lớp 4.
“Được đi học là con vui lắm rồi, nhà khó khăn nên con không dám xin bà đi học thêm như các bạn khác. Thời gian rảnh, con ra phụ bà bán hàng, tối về mới tranh thủ tự học thêm” – Long nói.
Khi nghe đến lớp học miễn phí, bà ngoại đã đăng ký cho Long vào học. Hơn 3 tháng qua, cậu bé chưa vắng học ngày nào, lúc nào cũng đến lớp sớm để dọn dẹp và ôn bài.
Long cười tươi nói: “Từ khi học ở đây, môn toán và tiếng Việt của con tốt hơn nhiều. Con cũng có thêm nhiều bạn mới hơn nữa. Vui lắm!”
Là giáo viên đứng lớp chính, thầy Lê Tấn Phát, giáo viên Trường Trung học Thực hành – Trường ĐH Sư Phạm TP HCM, cho biết công tác vận động học sinh đi học rất khó, để các em duy trì việc đi học đều đặn càng khó hơn. Đa số các em đều có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí là phải theo cha mẹ mưu sinh. Khi bữa ăn hằng ngày còn đang thiếu thốn thì chuyện học là một điều gì đó rất xa xỉ.
“Hiện tại, lớp đang có khoảng 15 học sinh tiểu học. Để thuận tiện, tôi chia lớp thành 2 nhóm riêng. Trong mùa hè, lớp duy trì học từ 2-3 buổi vào mỗi tối. Vào năm học, tôi sẽ linh động thời gian dạy vào những ngày cuối tuần” – thầy Phát cho biết.
Cầm túi kẹo vừa được học sinh tặng, thầy Phát nói tiếp: “Các bé học ở lớp ngây thơ nhưng cũng nhiều va chạm với đời. Thay vì được chơi búp bê, siêu nhân thì các em phải bươn chải ngoài trời kiếm sống. Đôi khi, chỉ cần đọc được một mẩu chuyện trên báo Nhi Đồng cũng khiến các em cười cả ngày”
Học sinh được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm
Thầy Phát tâm sự bản thân phải học cách lắng nghe nhiều hơn, học cách trở thành người bạn để thấu hiểu học trò đặc biệt của mình. Thầy dành 1/3 thời gian của buổi học để tổ chức trò chơi, trau dồi những kỹ năng sống hoặc đơn giản là nghe học trò tâm sự về cuộc sống hằng ngày.
“Đây là độ tuổi rất nhạy cảm, các em không chỉ khó khăn, thiếu thốn về kinh tế mà đời sống tinh thần cũng cần phải chăm sóc rất nhiều. Người lớn phải có cách dạy phù hợp thì các em mới phát triển tốt” – thầy Phát chỉ rõ.
Ông Nguyễn Đặng Trí Nghĩa, Bí thư Đoàn phường 6, cho biết địa phương còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, trong số đó có những em nhỏ bị khuyết tật, người dân tộc thiểu số, một số em nhỏ phải theo cha mẹ mưu sinh nên dang dở việc học.
“Việc thành lập lớp học là điều cần thiết. Ngoài giúp các em biết đọc viết và tính toán cơ bản, lớp học còn dạy những kỹ năng để các em tự bảo vệ bản thân, biết phân biệt những điều đúng đắn, không bị những đối tượng xấu dụ dỗ, lợi dụng làm những việc trái pháp luật” – ông Nghĩa nhấn mạnh.
Nguồn: https://nld.com.vn/lop-hoc-cho-tre-em-ngheo-giua-long-thanh-pho-196240830144637451.htm