Ngữ văn: Kiểm tra năng lực Đọc và Viết của học sinh
Theo Thầy giáo Nguyễn Phi Hùng, giáo viên ngữ văn Hệ thống giáo dục HOCMAI, đề minh họa bám sát các mục tiêu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn lớp 9, tập trung kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh, cụ thể là năng lực Đọc và Viết.
Phần Đọc lấy ngữ liệu từ văn bản ngoài sách giáo khoa, cho phép đánh giá năng lực đọc của học sinh theo từng kiểu loại văn bản., tránh lối học thuộc, học tủ… Đề minh họa với các câu hỏi theo hình thức tự luận, gồm hai phần chính:
Phần Đọc (4 điểm) gồm các câu hỏi xoay quanh 1 văn bản thuộc một trong ba loại: Văn bản văn học, Văn bản thông tin, Văn bản nghị luận mà học sinh đã được làm quen từ lớp 6. Đáng chú ý, trong nhóm các văn bản văn học không có thể loại kịch (được học ở lớp 9) nhưng bổ sung thể Kí (học ở các lớp dưới). Trong cấu trúc/ma trận đề thi chưa đề cập đến yêu cầu liên quan đến phần Tiếng Việt nhưng những đơn vị kiến thức, kĩ năng này đã được tích hợp vào trong các câu hỏi của phần đọc và viết.
Phần Viết (6 điểm), yêu cầu viết đoạn văn nghị luận văn học (200 chữ) và bài văn nghị luận xã hội (400 chữ). Như vậy không có dạng bài tự sự, thuyết minh và biểu cảm (được học ở lớp 9). Đối với bài văn nghị luận xã hội có thể gắn với với nội dung văn bản đọc hiểu ở phần trước. Nghị luận văn học yêu cầu phân tích đoạn trích thuộc phần Đọc, tuy nhiên yêu cầu đề bài không bị chồng chéo với nội dung các câu hỏi đã được đề cập trong phần trước đó.
Đề minh họa chỉ là một phương án triển khai cấu trúc/ ma trận đề thi. Mặc dù đề minh hoạ yêu cầu viết đoạn văn ở phần Nghị luận văn học và viết bài văn ở phần Nghị luận xã hội nhưng yêu cầu này có thể linh hoạt thay đổi khi triển khai các yêu cầu phần viết. Ngoài ra ngữ liệu đọc hiểu và ngữ liệu ở câu viết nghị luận văn học không nhất thiết phải trùng nhau.
Giáo dục công dân: Thể hiện đúng yêu cầu đánh giá năng lực người học
Theo các thầy giáo của HOCMAI, đề thi minh họa môn Giáo dục công dân trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Sở GD-ĐT Hà Nội năm học 2025-2026 gồm 40 lệnh hỏi ứng với 34 câu hỏi và chia làm 2 phần tương ứng với hai dạng câu hỏi: trắc nghiệm nhiều lựa chọn và trắc nghiệm đúng/sai.
Đề thi gồm 3 kiểu câu hỏi:
Kiểu câu hỏi là trắc nghiệm nhiều lựa chọn, đây là kiểu câu hỏi quen thuộc đối với học sinh.
Kiểu câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn dựa vào một đoạn thông tin cho sẵn. Kiểu câu hỏi này yêu cầu học sinh có kĩ năng đọc hiểu và phân tích tốt, đồng thời kết hợp với kiến thức đã học để lựa chọn đáp án đúng.
Kiểu câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai: học sinh căn cứ vào đoạn tư liệu cho sẵn, kết hợp với kiến thức đã học để lựa chọn phương án đúng hoặc sai cho lệnh hỏi đi kèm.
Việc đưa những kiểu câu hỏi mới, đồng thời cập nhật những kiến thức mang tính thời sự vào đề thi thể hiện điểm mới trong cách ra đề nhằm từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Nội dung kiến thức trong đề thi gồm bốn phần ứng với các chủ đề: Giáo dục đạo đức, giáo dục kĩ năng sống, giáo dục kinh tế và giáo dục pháp luật.
Giáo dục đạo đức: Đây là phần chiếm số lượng câu hỏi lớn nhất trong đề thi với 15 câu, trong đó có 1 câu hỏi thuộc phần II (gồm 4 lệnh hỏi). Với số lượng câu hỏi lớn nên ở phần này, đề thi đánh giá tất cả các thành phần năng lực bao gồm: Điều chỉnh hành vi; Tìm hiểu và tham gia hoạt động kinh tế – xã hội; Phát triển bản thân và đầy đủ các cấp độ tư duy từ nhận biết đến thông hiểu. Các câu hỏi thuộc phần này thuộc các nội dung: Sống có lí tưởng; Khoan dung; Khách quan và công bằng…
Giáo dục kĩ năng sống có 4 câu hỏi trắc nghiệm. Những nội dung chính bao gồm: quản lí thời gian hiệu quả; Thích ứng với thay đổi; … Các câu hỏi thuộc nội dung này đều là những câu nhận biết, thông hiểu.
Giáo dục kinh tế có một nội dung là Tiêu dùng thông minh, 3 câu hỏi thuộc phần này đều là câu nhận biết, thông hiểu.
Giáo dục pháp luật có 12 câu trong đó có cả 3 kiểu câu hỏi. Những nội dung thuộc chủ đề này là: Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí; Quyền tự do kinh doanh và nghĩa vụ nộp thuế. Các câu hỏi nhận biết, thông hiểu thuộc chủ đề này kiểm tra kiến thức về: nội dung các quyền; biểu hiện khi vi phạm các quyền; trường hợp được hưởng quyền của công dân; trách nhiệm pháp lí của công dân… Các câu hỏi vận dụng thuộc chủ đề này là những câu hỏi tình huống, trong đó nêu một tình huống thực tế, học sinh áp dụng kiến thức đã học để phân tích, xử lí tính huống.
Đề thi có khoảng 80% câu hỏi thuộc cấp độ nhận biết, thông hiểu. Với nhóm câu hỏi này, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức sách giáo khoa, ghi nhớ các “từ khóa” hoặc các đặc trưng của từng nội dung là có thể làm tốt. 20% câu hỏi thuộc cấp độ vận dụng là những câu hỏi tình huống. Nhóm câu hỏi này, ngoài việc có kiến thức cơ bản, học sinh cần có “chiến lược” trong đọc và phân tích thông tin, loại trừ các ý hoặc các nhân vật trong tình huống để tìm ra đáp án chính xác.
Cấu trúc đề thi minh họa năm 2025-2026 của Sở GD-ĐT Hà Nội thể hiện đúng yêu cầu đánh giá năng lực người học theo định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Căn cứ trên cấu trúc, nội dung và phạm vi kiến thức của đề thi, học sinh cần xây dựng cho mình chiến lược học tập và ôn luyện một cách khoa học để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tuyển sinh vào 10.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/giao-duc–y-te1/ha-noi-de-minh-hoa-ngu-van-va-giao-duc-cong-dan-lop-10-nam-2025-tap-trung-kiem-tra-danh-gia-nang-luc-hoc-sinh-i386464/