Agribank tập trung ưu tiên nguồn vốn đối với tín dụng xanh
Trong nhiều năm qua, Agribank đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ năm 2016, Agribank đã bắt đầu triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “nông nghiệp sạch” với quy mô vốn tối thiểu 50 nghìn tỷ đồng dành cho đối tượng khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại,… tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với lãi suất ưu đãi cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước và Agribank.
Agribank phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (MARD) triển khai hỗ trợ tín dụng đối với Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025 và Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Agribank mở rộng đầu tư cho vay các dự án liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do các tổ chức tài chính quốc tế tài trợ như: Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; Quản lý rủi ro thiên tai; Hỗ trợ nông nghiệp Carbon thấp; Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng, Điện gió; Điện mặt trời; cung cấp tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung Tây Nguyên…
Triển khai quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng
Ngày 23/12/2022, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 17/2022/TT-NHNN về hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng. Để đáp ứng các yêu cầu của Thông tư 17, Agribank đã ban hành Quy định 1289/QyĐ/NHNo-RRTD ngày 31/5/2023 về quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của Agribank, hiệu lực từ ngày 01/6/2023 (Quy định 1289). Tóm lại, trong 3 trọng tâm của ESG là môi trường, xã hội và quản trị thì Quy định 1289 chính là sự thể hiện rõ nét nhất sự quan tâm của Agribank đến yếu tố “môi trường”, khẳng định rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng cũng là rủi ro tín dụng. Chính sách quản lý rủi ro môi trường là trọng tâm cho quản trị bền vững và là chìa khóa quan trọng để thúc đẩy Agribank cải thiện các nỗ lực phát triển bền vững của mình ngày hôm nay và trong tương lai.
Tiên phong triển khai các chương trình bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu
Agribank đã và đang triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực gắn với thông điệp “Vì tương lai xanh” – mục tiêu xuyên suốt từ nhận thức đến hành động của gần 40.000 người lao động trong toàn hệ thống, có thể kể đến: “Agribank – Một triệu cây xanh, thêm cây thêm sự sống”; xây dựng và thực hiện các dự án bám sát chương trình “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” do Thủ tướng Chính phủ và Liên hợp quốc phát động; các đơn vị trong hệ thống Agribank từng bước sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường trong các hoạt động chung…
Agribank trực tiếp tổ chức hoặc tham gia tài trợ, tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, Hội thảo, làm việc với các tổ chức quốc tế, Hiệp hội ngân hàng, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu (Eurocham), cơ quan thông tin, báo chí, tổ chức chính trị, xã hội để tuyên truyền, chia sẻ, học tập kinh nghiệm về ESG, tín dụng xanh…
Ứng dụng công nghệ, xây dựng thói quen thân thiện với môi trường
Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, tiếp tục chuyển đổi mô hình kinh doanh đa dịch vụ theo định hướng phát triển thành Ngân hàng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng dịch vụ hàng đầu với phương châm lấy khách hàng làm trung tâm, Agribank tăng cường nguồn nhân lực và hệ thống công nghệ để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, mở rộng kênh phân phối, phát triển khách hàng mới mở tài khoản thanh toán, sử dụng dịch vụ.
Các dịch vụ tiện ích của Agribank đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu giao dịch tài chính, thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng, phát triển hệ sinh thái số. Ngoài phát triển các dịch vụ thanh toán chuyển tiền truyền thống tại quầy giao dịch, dịch vụ thanh toán qua kênh điện tử được phát triển mạnh mẽ thông qua triển khai các dịch vụ trên Emobile banking, Internet banking. Điều này góp phần hạn chế chứng từ in ấn và tờ khai giấy từ khách hàng, qua đó hạn chế dùng giấy in, mực in… sẽ giảm rất nhiều các khí thải carbon ra ngoài môi trường.
Agribank phát triển hệ sinh thái số, thanh toán số, thực hiện chuyển đổi số thông qua việc liên tục ra mắt và cải tiến nhiều sản phẩm số, nhằm đơn giản hóa quy trình, nâng cao tiện ích cho khách hàng, cụ thể: Mở tài khoản thanh toán trực tuyến trên các ứng dụng Ngân hàng số (eKYC); tăng cường tiện ích, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử; mở rộng dịch vụ thanh toán thu hộ, chi hộ; ứng dụng mô hình ngân hàng số trong dịch vụ thẻ; thu nợ tự động trên IPCAS, tra cứu thông tin khoản vay và thu nợ trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking, vấn tin xác nhận thư bảo lãnh trên website Agribank…
Nguồn: https://www.congluan.vn/cam-ket-va-thuc-trang-trien-khai-esg-tai-agribank-post310013.html