Hòa vào dòng chảy chung của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Hà Giang xác định chuyển đổi số là cơ hội để bứt phá, vươn lên, là đòn bẩy phát triển kinh tế – xã hội, cũng là phương thức nhanh nhất giúp rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.
Đồng chí Đỗ Thái Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Giang chia sẻ: Công cuộc chuyển đổi số đối với Hà Giang đã có lúc được ví như “gieo ngô trên cao nguyên đá” bởi Hà Giang là một trong những tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, trang thiết bị về công nghệ thông tin còn thiếu, lạc hậu.
Bên cạnh đó, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến gần 90%, tỷ lệ hộ nghèo cao, thậm chí còn một bộ phận người dân chưa biết đọc, biết viết, chưa có điện thoại di động…
Dù vậy, nhờ sự nỗ lực, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng đồng thuận của người dân, doanh nghiệp… hành trình chuyển đổi số của Hà Giang đến nay đã ghi nhận nhiều chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, từng bước mang lại cuộc sống tiện ích, tốt đẹp hơn cho người dân vùng cao nơi đây.
Thông qua các nền tảng số, thôn Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn) ngày càng được nhiều du khách gần xa biết đến, trở thành điểm đến không thể thiếu trên hành trình khám phá Hà Giang. Không ít người dân trong thôn đã biết tận dụng cơ hội, tiếp cận công nghệ để trở thành những “công dân số” quảng bá tiềm năng du lịch địa phương.
Anh Sình Dỉ Gai, Trưởng thôn Lô Lô Chải – một trong những “công dân số” tiên phong của địa phương cho biết: Khi mới bắt tay làm, việc quảng bá dịch vụ du lịch còn rất hạn hẹp, chủ yếu thông qua các công ty du lịch tại TP Hà Giang. Những năm gần đây, nhờ được đầu tư về hạ tầng viễn thông, mạng internet, anh cũng như nhiều hộ dân khác trong thôn dần được tiếp cận thông tin, biết cách kết nối khách hàng, giới thiệu tiềm năng du lịch địa phương trên các nền tảng số như Facebook, Zalo…
Nhờ nhanh chóng bắt nhịp vào dòng chảy số, Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải giờ đây trở thành từ khóa được nhiều người tìm kiếm trên các diễn đàn du lịch hay qua các công cụ tìm kiếm của Google, Facebook, Zalo… Trưởng thôn Sình Dỉ Gai cho hay, đến năm nay, các homestay tại Lô Lô Chải hầu như luôn “cháy phòng” vào thời điểm cuối tuần, chứ không như trước đây chỉ đông khách vào mỗi dịp nghỉ lễ, lễ hội.
Tại tỉnh Hà Giang, việc ứng dụng các nền tảng mạng xã hội để quảng bá các điểm đến hấp dẫn, sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng đã không còn xa lạ và được nhiều người dân vùng cao truyền nhau kinh nghiệm, kỹ năng sử dụng. Hà Giang được đánh giá là một trong những tỉnh thúc đẩy rất sớm việc quảng bá hình ảnh địa phương trên môi trường số, qua đó góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng của ngành du lịch – vốn được xem là “trụ đỡ” của nền kinh tế địa phương.
Để thúc đẩy hiệu quả truyền thông trên môi trường số, UBND tỉnh Hà Giang đã chủ động ký kết hợp tác với Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Bưu chính viễn thông VNPT để tăng cường phát triển về hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, tạo điều kiện để đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trên 03 trụ cột, trong đó lĩnh vực truyền thông là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu.
Cùng với việc đẩy mạnh truyền thông trên môi trường số, Hà Giang cũng thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, qua đó góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng ấn tượng của ngành công nghiệp không khói những năm gần đây.
Nếu như năm 2022, ngay sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, Hà Giang đón trên 2,2 triệu lượt khách thì đến năm 2023, con số này đã lên đến hơn 3 triệu lượt, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ du lịch ước đạt gần 7,1 nghìn tỷ đồng, tăng 56,3% so với cùng kỳ. Đặc biệt, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, đã có gần 1,7 triệu lượt du khách chọn Hà Giang là điểm đến, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 52,8% kế hoạch năm. Tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 4 nghìn tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh Hà Giang khẳng định: Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ, cũng như tỉnh Hà Giang là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số. Có như vậy, chuyển đổi số mới mang tính toàn dân và toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Nắm bắt thời cơ, ngay trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Hà Giang là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề (Nghị quyết số 18-NQ/TU) về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây được coi là kim chỉ nam cho công cuộc chuyển đổi số của tỉnh, là định hướng để cả hệ thống chính trị chung sức thực hiện chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trong đó tập trung xây dựng chính quyền số để tạo đà và định hướng, dẫn dắt, quản lý, hỗ trợ kinh tế số và xã hội số phát triển.
Ban chỉ đạo, Ban điều hành chuyển đổi số từ tỉnh đến xã lần lượt được kiện toàn tại 11/11 huyện, thành phố. 2.071 Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập trên toàn tỉnh với 12.131 thành viên trở thành “cánh tay” nối dài của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số các cấp, đóng vai trò then chốt đưa công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân.
Được Tổ chuyển đổi số cộng đồng tuyên truyền, hướng dẫn, nhiều người dân tại Hà Giang giờ đây đã biết thao tác và sử dụng nhiều dịch vụ tiện ích trên không gian số như: Giải quyết các thủ tục hành chính trên thiết bị di động thông minh, sử dụng ví điện tử để thanh toán, sử dụng ứng dụng “Công dân số Hà Giang” để tương tác với các cấp chính quyền… Nhờ đó, chỉ tính riêng trong quý II năm 2024, toàn tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết trên 143 nghìn hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó giải quyết trực tuyến được hơn 125 nghìn hồ sơ, đạt tỷ lệ 87,3%.
Thời điểm hiện tại, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã hoàn thành kết nối với các Hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia. Tỉnh tiếp tục duy trì mạng Truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, duy trì hoạt động hiệu quả các hệ thống thư điện tử công vụ với 25.468 tài khoản thư cho cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo 100% cán bộ công chức có tài khoản thư điện tử và thường xuyên sử dụng.
Song song với đó, duy trì hiệu quả hệ thống giao ban trực tuyến phục vụ họp liên thông các cấp; hệ thống giám sát an toàn thông tin (SOC) của tỉnh kết nối với hệ thống giám sát an toàn quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý.
Một trong những tiện ích về chuyển đổi số có thể cảm nhận một cách rõ ràng nhất chính là những tác động đến từ kinh tế số. Sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, 100% sản phẩm OCOP của Hà Giang được đăng tải trên các sàn thương mại điện tử; 100% hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có tài khoản tham gia sàn Thương mại điện tử và được đào tạo, tập huấn.
Tỉnh cũng duy trì hiệu quả mô hình chợ 4.0 về các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực chợ Trung tâm các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, đồng thời triển khai hóa đơn điện tử đến 100% doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Giang Đỗ Thái Hòa cho hay, hạ tầng số được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển mạnh mẽ với 2.942 trạm thu phát sóng (BTS), trong đó đã triển khai phát sóng thử nghiệm 5G phục vụ cho người dân, khách du lịch trải nghiệm miễn phí tại 03 địa điểm: Quảng trường 26/3; Cột cờ Lũng Cú và Tòa nhà Viettel Hà Giang. Tỷ lệ thôn được phủ sóng di động đạt 98,89%; gần 31.100 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ sử dụng dịch vụ Internet thông qua chương trình viễn thông công ích; trên 431 nghìn tài khoản định danh điện tử được kích hoạt với tỷ lệ đạt 65,1%.
Đặc biệt, tỉnh đã triển khai thử nghiệm ứng dụng “Công dân số Hà Giang”, tích hợp các chức năng dịch vụ công với hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Đây được coi là cầu nối trực tiếp giữa chính quyền các cấp với người dân, qua đó người dân có thể phản ánh trực tuyến những vấn đề bất cập, bức xúc với các cơ quan chức năng và theo dõi kết quả xử lý để đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Đến nay ứng dụng đã có trên 18.157 lượt tải và 15.624 tài khoản đăng ký sử dụng.
Tại các cơ sở khám chữa bệnh, trung tâm hành chính công, căn cước công dân (CCCD) giờ đây đã thay thế cho nhiều loại giấy tờ tùy thân và là tấm thẻ thông hành cho mọi giao dịch. Hà Giang đã triển khai hệ thống nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử tại 193 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn tỉnh; 100% các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh được trang cấp, lắp đặt thiết bị đọc mã QRCode phục vụ triển khai khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD thay thế bảo hiểm y tế;…
Theo đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã được chỉ đạo triển khai quyết liệt ngay từ đầu nhiệm kỳ, đầu năm. Cấp ủy, chính quyền đã chú trọng, chủ động gương mẫu, sáng tạo trong việc triển khai các giải pháp chuyển đổi số gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, đơn vị; nhận thức của các cấp, các ngành và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về chuyển đổi số được nâng lên rõ rệt; kịp thời khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số…
Những kết quả đáng ghi nhận đó góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh Hà Giang, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đồng thời tạo nền tảng quan trọng để Hà Giang tiếp tục bứt phá, tăng tốc trên hành trình chuyển đổi số trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên nhìn nhận kết quả đánh giá, xếp hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh do Bộ TT&TT công bố, năm 2022 tỉnh Hà Giang xếp thứ 57/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021. Tỉnh đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với quyết tâm cải thiện thứ bậc xếp hạng chỉ số DTI. Kết quả rà soát của Sở TT&TT cho thấy, năm 2023 tỉnh Hà Giang đạt 710,59/1.000 điểm, tăng 231,6 điểm so với năm 2022, đạt 71,06% so với kế hoạch đề ra.
Thời gian tới, tỉnh tập trung hoàn thành dự án Xây dựng hệ thống điều hành thông minh tỉnh Hà Giang, các mục tiêu, nhiệm vụ tại Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đồng thời, tập trung rà soát, xóa các vùng lõm sóng trên địa bàn, bảo đảm tốc độ mạng viễn thông di động; triển khai các giải pháp thúc đẩy dừng công nghệ 2G, hỗ trợ người dân chuyển đổi sang sử dụng máy điện thoại thông minh tiến tới mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh trên địa bàn tỉnh…
Nhấn mạnh thêm về mục tiêu lâu dài, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh Hà Giang cho biết: Tỉnh xác định chuyển đổi số là động lực phát triển, trong đó xây dựng chính quyền số là khâu đột phá, phát triển kinh tế số là trọng tâm, phát triển xã hội số là chiến lược lâu dài. Với một địa phương còn nhiều khó khăn như Hà Giang, con đường chuyển đổi số sẽ mang tính quyết định sự phát triển kinh tế – xã hội.
Do đó, để thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số nhanh và bền vững, Hà Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân, tạo sự đồng thuận cho công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; huy động cả hệ thống chính trị tích cực tham gia chuyển đổi số; nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng;…/.
Nguồn: https://mic.gov.vn/ha-giang-buoc-tien-moi-tren-hanh-trinh-chuyen-doi-so-197240827102532199.htm