Châu Âu
Serbia hôm 29/8 đã ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt với hãng Dassault Aviation của Pháp về việc mua 12 máy bay chiến đấu Rafale mới với giá 2,7 tỷ Euro (2,99 tỷ USD).
Thỏa thuận, được ký bởi Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Bratislav Gasic và Giám đốc điều hành Dassault Aviation Eric Trappier, cũng bao gồm một gói hậu cần phụ trợ hoàn chỉnh, động cơ dự phòng và phụ tùng, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết khi phát biểu tại một cuộc họp báo theo sau lễ ký kết.
Thoả thuận trên được chốt trong chuyến thăm 2 ngày của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Belgrade, bắt đầu từ hôm 29/8, báo hiệu một sự chuyển hướng của Serbia khỏi Nga – đồng minh truyền thống và nhà cung cấp vũ khí chính của quốc gia vùng Balkan.
Việc mua tiêm kích Rafale là thỏa thuận vũ khí lớn nhất của Serbia kể từ khi Nam Tư tan rã vào năm 2006.
Ông Vucic cho biết, Serbia sẽ chi trả 2 đợt, mỗi đợt 421 triệu Euro vào năm 2024 và 2025 cho các máy bay đã đặt hàng. Ông không nói rõ khi nào Serbia sẽ nhận được những chiếc Rafale đầu tiên, nhưng cho biết chúng sẽ được trang bị tên lửa không đối không tầm trung MICA do MBDA của Pháp sản xuất, thay vì tên lửa Meteor tinh vi hơn có tầm bắn xa hơn.
Ukraine xác nhận vào chiều hôm 29/8 rằng một trong những máy bay chiến đấu phản lực F-16 Fighting Falcon của họ đã bị rơi vào đầu tuần này, khiến phi công trên máy bay thiệt mạng. Được biết, đây là một trong 6 tiêm kích F-16 đầu tiên đến Ukraine vào đầu tháng này.
Các quan chức của Kiev xác nhận rằng vụ tai nạn xảy ra hôm 26/8, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy chiếc F-16 này bị máy bay hoặc hệ thống phòng không của Nga bắn hạ. Lỗi của phi công hoặc trục trặc cơ học đang được điều tra là nguyên nhân có thể dẫn đến vụ tai nạn.
Mặc dù Kiev không nêu tên phi công nhưng Không quân Ukraine cho biết phi công này là Oleksiy Mes. Mes là một trong những người Ukraine đầu tiên được huấn luyện trên máy bay F-16 Fighting Falcon. Việc Ukraine mất phi công còn nghiêm trọng hơn là mất máy bay.
Đầu tháng này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảnh báo rằng Kiev không chỉ không có đủ chiến đấu cơ F-16 để tạo ra sự khác biệt đáng kể trong cuộc giao tranh đang diễn ra mà còn thiếu phi công để lái máy bay do phương Tây cung cấp.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 29/8 đã bảo vệ quyết định cấp quốc tịch Pháp cho Pavel Durov, CEO của ứng dụng nhắn tin Telegram.
Ông Durov đã nhận được quốc tịch Pháp vào năm 2021 thông qua một quy trình đặc biệt dành riêng cho những người được coi là đã có những đóng góp đặc biệt cho Pháp. Việc cấp quốc tịch Pháp cho ông Durov là “tốt cho đất nước chúng ta”, ông Macron cho biết.
Ông Durov đã bị bắt tại một sân bay ở Paris hôm 24/8 theo lệnh truy nã liên quan đến việc Telegram không kiểm duyệt nội dung và cáo buộc hoạt động tội phạm trên nền tảng này. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra về thời điểm và hoàn cảnh bắt giữ vị tỷ phú công nghệ này.
Trong khi đó, tại Moscow, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lưu ý rằng ông Durov là “công dân Nga, và chúng tôi sẽ theo dõi những gì xảy ra tiếp theo”.
Ông Durov cũng là công dân của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), nơi Telegram đặt trụ sở. Một quan chức chính phủ UAE cho biết họ “ưu tiên phúc lợi của công dân, và đang liên lạc với chính quyền Pháp về vụ việc này”.
Mỹ
Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan, trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 29/8, đã nhấn mạnh về tính liên tục trong chính sách của Mỹ nếu Phó Tổng thống Kamala Harris được bầu làm Tổng thống trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 11.
Cuộc gặp với nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đã khép lại chuyến thăm 3 ngày tới Bắc Kinh của vị trợ lý an ninh cấp cao của Tổng thống Biden.
Ông Sullivan, thực hiện chuyến đi đầu tiên tới Bắc Kinh kể từ khi ông Biden bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống, cũng có các cuộc hội đàm với một vị tướng chủ chốt và nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc.
Bà Kamala Harris hôm 29/8, trong cuộc phỏng vấn trực tiếp đầu tiên của mình kể từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử, đã ra tín hiệu rằng bà có thể bổ nhiệm một thành viên Đảng Cộng hòa vào Nội các của mình nếu được bầu làm Tổng thống.
“Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải có những người ngồi vào bàn khi một số quyết định quan trọng nhất được đưa ra với những quan điểm và trải nghiệm khác nhau”, bà nói với Đài CNN. “Và tôi nghĩ rằng sẽ có lợi cho công chúng Mỹ khi có một thành viên trong Nội các của tôi là thành viên Đảng Cộng hòa”.
Trong khi đó, ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hoà Donald Trump hôm 29/8 đã sử dụng một cuộc tuần hành ở Michigan để tuyên bố rằng ông sẽ miễn phí phương pháp điều trị IVF cho phụ nữ, mà không nêu chi tiết cách ông sẽ tài trợ cho phương pháp này.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh ông Trump đang bị Đảng Dân chủ chỉ trích dữ dội vì vai trò của ông trong việc bổ nhiệm các thẩm phán Tòa án Tối cao đã lật ngược phán quyết Roe kiện Wade (Roe v. Wade), chấm dứt quyền phá thai theo hiến pháp ở nước này.
Các phương pháp điều trị IVF rất tốn kém, có thể lên tới hàng chục nghìn USD cho một đợt. Nhiều phụ nữ cần trải qua nhiều dợt IVF và không có gì đảm bảo thành công.
Trung Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant hôm 29/8 cho biết, Israel phải mở rộng các mục tiêu đã nêu trong cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza, bao gồm cả việc đưa người Israel trở về nhà ở phía Bắc sau khi họ được sơ tán trong bối cảnh các cuộc tấn công đang diễn ra của nhóm Hezbollah ở Lebanon.
Trong một cuộc họp báo và thảo luận chiến lược với Tổng tham mưu trưởng IDF và các quan chức cấp cao của IDF, ông Gallant cho biết nhiệm vụ của Israel ở mặt trận phía Bắc rất rõ ràng: “Đảm bảo các cộng đồng ở phía Bắc có thể trở về nhà an toàn”.
“Để đạt được điều này, chúng ta phải mở rộng các mục tiêu của cuộc chiến này”, ông Gallant cho biết, đồng thời nói thêm rằng ông có kế hoạch nêu vấn đề này trước Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Nội các.
Bộ trưởng Gallant cũng nhấn mạnh việc mở rộng các mục tiêu chiến tranh của Israel “sẽ không làm giảm cam kết tuyệt đối của chúng tôi trong việc xoá sổ Hamas và đưa các con tin trở về”.
Châu Á
Kazakhstan, một quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng, đang định vị mình với ý định tăng gấp đôi nền kinh tế lên 450 tỷ USD vào năm 2029 và kêu gọi EU đầu tư vào sản xuất giá trị gia tăng mới trong nước.
Kazakhstan vốn phụ thuộc vào dầu mỏ, khí đốt và khai khoáng, hiện cam kết đa dạng hóa nền kinh tế của mình. Ông Nazira Nurbayeva, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Kazakhstan, nói với Euractiv hôm 29/8: “Chúng tôi đang đi đúng hướng để đa dạng hóa nền kinh tế phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên của mình bằng cách phát triển các ngành công nghiệp phi tài nguyên”.
Trọng tâm là sản xuất hàng hóa và dịch vụ có giá trị cao, thu hút vốn vào các dự án đổi mới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
“Các ngành hóa chất, sản xuất công nghiệp, chế biến thực phẩm, du lịch và năng lượng thay thế cho thấy tiềm năng đáng kể”, ông Nurbayeva cho biết. “Các ngành công nghiệp tiên tiến như sản xuất hydro xanh, chế biến kim loại đất hiếm tiên tiến, lĩnh vực CNTT và công nghệ tài chính thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, đồng thời phù hợp với sự quan tâm của chúng tôi đối với các lĩnh vực này”.
Các khoản đầu tư mới vào sản xuất giá trị gia tăng dự kiến sẽ thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất trên tất cả các lĩnh vực của quốc gia Trung Á.
Minh Đức
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/tin-tuc-the-gioi-24-gio-israel-neu-muc-tieu-o-mat-tran-phia-bac-204240830100036432.htm