Để bảo đảm tính bền vững và khả thi trong thực hiện quy hoạch, tỉnh Bình Dương đang nỗ lực thực hiện di dời doanh nghiệp sản xuất vào các khu vực quy hoạch để mở rộng không gian phát triển, thiết lập hệ sinh thái các khu, cụm ngành liên kết, tránh các vùng đô thị tập trung và giảm thiểu rủi ro ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) và hạ tầng giao thông ở các địa phương phía bắc của tỉnh đang được hoàn thiện sẵn sàng đón các nhà đầu tư. UBND tỉnh, các sở, ban, ngành đang khẩn trương nghiên cứu thiết lập các chính sách, phương án theo lộ trình cụ thể để các doanh nghiệp có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi di dời hoặc chuyển đổi công năng, cũng như tái định cư ở các địa bàn mới. Tỉnh cũng đang đẩy mạnh thực hiện các hạ tầng kết nối vùng, tạo động lực lan tỏa.
Ông Mai Hùng Dũng – Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh – nhấn mạnh, để thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các KCN hiện hữu nhưng hướng tới các chuẩn mực cao hơn về khoa học – công nghệ, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, tỉnh chú trọng phát triển công nghiệp gắn với đô thị – dịch vụ để thu hút nguồn vốn đầu tư ngày càng chất lượng và hiệu quả. Hình thức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN tại Bình Dương đa dạng và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.
Trong giai đoạn mới, Bình Dương định vị một phân khúc mới, đó là phát triển công nghiệp gắn liền với phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số trong các KCN là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững của tỉnh.
Và để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh, thời gian qua, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4108/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh về phê duyệt “Đề án định hướng phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
Đến nay, Bình Dương đã hình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may (công nghiệp sản xuất sợi, dệt vải, chỉ may, khuy nút, dây kéo, nhuộm, hoàn thiện sản phẩm dệt…), da giày (thuộc da, sản xuất đế giày, mũ giày…), cơ khí (sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm từ kim loại, sản xuất máy móc thiết bị và phụ tùng cho các ngành công nghiệp ôtô, xe máy và các phương tiện vận tải khác, công nghiệp xây dựng, công nghiệp dệt may, da giày, chế biến gỗ, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng…), điện – điện tử (sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất, sản xuất thiết bị dây dẫn điện, cáp quang…). Tuy nhiên, Bình Dương vẫn chưa có khu công nghiệp (KCN) về CNHT chuyên sâu, bà Nguyễn Thanh Hà – Phó Giám đốc Sở Công Thương, Bình Dương – cho báo Bình Dương hay.
Tuy nhiên, chia sẻ tình hình chuyển đổi xanh tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, ông Thi cho hay tại “Hội nghị Tự động hóa năng lượng, động lực cho sản xuất thông minh” ngày 20.6, Bình Dương đang phát triển thêm nhiều khu công nghiệp xanh với các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng. Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ đầu tư phát triển 4 cụm CNHT với diện tích mỗi cụm 75 ha, trong đó xây dựng 1 cụm công nghiệp hỗ trợ chuyên ngành cơ khí. Bình Dương cũng đã quy hoạch thêm 1 KCN ngành cơ khí để góp phần thúc đẩy phát triển ngành CNHT của tỉnh.
Ông Phạm Ngọc Thuận – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC – cũng cho rằng, việc xây dựng và phát triển mô hình KCN công nghệ cao, KCN sinh thái… đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế xanh trên toàn cầu là rất cần thiết.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh Bình Dương có 42 KCN với tổng diện tích 18.600 – 21.000 ha. Đến năm 2050, toàn tỉnh có 41 – 42 KCN với tổng diện tích khoảng 25.000 ha. Đối với các KCN mới thành lập, bên cạnh loại hình KCN đa ngành nghề, Bình Dương sẽ ưu tiên phát triển theo hướng KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN sinh thái và KCN công nghệ cao, theo Báo Bình Dương.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/binh-duong-huong-toi-san-xuat-thong-minh-san-xuat-xanh-1385374.ldo