Lượng hàng nhập khẩu từ Nga của Liên minh châu Âu (EU) giảm xuống mức thấp kỷ lục trong quý II/2024 nhưng vẫn có những dấu hiệu cho thấy, Moscow đang lách lệnh trừng phạt từ phương Tây thành công.
Lượng hàng nhập khẩu từ Moscow vào EU đã giảm mạnh ngay khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022. (Nguồn: Vestnikkavkaz) |
Dữ liệu do Eurostat – cơ quan thống kê chính thức của EU – công bố ngày 28/8 cho thấy, lượng hàng nhập khẩu của khối này từ Nga đã giảm 16% trong quý II/2024 so với quý I/2024.
Vào tháng 6, tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu của EU từ Nga giảm xuống còn 2,47 tỷ Euro – mức thấp nhất hàng tháng kể từ khi Eurostat bắt đầu thu thập dữ liệu vào tháng 1/2002.
Trước đó, tháng 4 và 5 chứng kiến mức nhập khẩu hàng tháng thấp thứ hai và thứ ba, lần lượt ở mức 2,66 tỷ Euro và 2,89 tỷ Euro.
Xuất khẩu cũng ghi nhận mức giảm mạnh tương tự, giảm xuống còn 2,43 tỷ Euro vào tháng 6 – mức thấp nhất kể từ tháng 1/2003.
Xu hướng lách lệnh trừng phạt vẫn tồn tại
Lượng hàng nhập khẩu từ Moscow vào khối 27 thành viên đã giảm mạnh ngay khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022. Xuất khẩu cũng giảm với tốc độ ổn định.
Philipp Lausberg, nhà phân tích tại Trung tâm Chính sách châu Âu (EPC) nói với hãng Euractiv rằng, một lý do có thể dẫn đến sự ổn định thương mại là 14 vòng trừng phạt của Brussels đối với Moscow. Những gói trừng phạt này đã chú trọng hơn vào việc cấm mua các mặt hàng cụ thể như dầu và than.
Nhà phân tích nhấn mạnh: “Hai gói trừng phạt gần đây nhất tập trung nhiều hơn vào việc thực thi và ngăn chặn việc lách luật. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, hoạt động thương mại giữa Nga và khối 27 thành viên giảm là có lý do”.
Dù vậy, các chuyên gia nhận thấy, xu hướng lách trừng phạt vẫn tiếp diễn.
Dữ liệu của Eurostat được đưa ra trong bối cảnh lo ngại dai dẳng về việc lách lệnh trừng phạt, khi hoạt động thương mại giữa các nước châu Âu và các nước châu Á, Kavkaz và Trung Đông tăng mạnh kể từ tháng 2/2022.
Ông Alexander Kolyandr, thành viên cấp cao không thường trú tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPS) lưu ý rằng, từ năm 2021 đến năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của EU sang Uzbekistan tăng gần gấp đôi từ (2,30 tỷ Euro lên 4,35 tỷ Euro), doanh số bán hàng hóa sang Armenia tăng gần gấp ba (từ 757 triệu Euro lên 2,16 tỷ Euro) và kim ngạch xuất khẩu sang Kyrgyzstan tăng hơn mười lần (263 triệu Euro lên 2,73 tỷ Euro).
Ông Kolyandr nhận định: “Điện Kremlin đã chứng minh được khả năng lách lệnh trừng phạt bằng cách giao dịch với các nước thứ ba. Các nước không thuộc Liên Xô cũ như Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể là những con đường lách lệnh trừng phạt quan trọng”.
Trong khi đó, ông Lausberg nhận thấy, mặc dù việc lách các lệnh trừng phạt vẫn là một vấn đề lớn nhưng nếu Nga phải bán hàng thông qua một quốc gia thứ ba thì quốc gia này sẽ kiếm được một khoản tiền mà Nga mất.
“Không chỉ thế, khi mua những sản phẩm công nghệ cao và đồ điện tử, Moscow sẽ phải trả nhiều tiền hơn trước đây”, ông Lausberg khẳng định.
Nga có mức tăng trưởng kinh tế lành mạnh hơn, dù đó không hẳn là tin tốt cho quốc gia phía Đông này. (Nguồn: AP) |
Nền kinh tế Nga quá nóng?
Trong khi đó, hai nhà phân tích Kolyandr và Lausberg lưu ý rằng, EU và Nga dường như đã bắt đầu theo đuổi các quỹ đạo kinh tế khác nhau. Nga có mức tăng trưởng kinh tế lành mạnh hơn, dù đó không hẳn là tin tốt cho quốc gia phía Đông này.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế Nga dự kiến tăng trưởng nhanh gấp ba lần so với nền kinh tế EU trong năm nay (Moscow sẽ tăng khoảng 3,2% và EU ở mức 1,1%).
Ngành sản xuất của đất nước cũng có sự bùng nổ đáng kể kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, trong khi ngành công nghiệp của châu Âu vẫn chìm trong tình trạng trì trệ hoặc suy thoái.
Tuy nhiên, ông Lausberg lưu ý rằng, hiệu suất kinh tế mạnh mẽ của Nga là kết quả của sự phục hồi sau cuộc suy thoái kinh tế vào năm 2022, một phần không nhỏ là nhờ vào sự gia tăng mạnh mẽ về chi tiêu quân sự. Nhưng khoản chi tiêu này, theo nhà phân tích Lausberg, sẽ không đại diện cho “một khoản đầu tư dài hạn”.
Ông cũng chỉ ra rằng, Nga vẫn đang phải vật lộn với các vấn đề kinh tế như tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng và giá nhập khẩu hàng công nghệ cao tăng cao.
Nhà phân tích Kolyandr nhận thấy, nền kinh tế Nga tiếp tục cho thấy dấu hiệu “quá nóng” (một quá trình mà nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu tăng cao, tạo ra áp lực lạm phát mạnh mẽ).
“Hầu như mọi số liệu kinh tế đều chứng thực xu hướng này, như tỷ lệ thất nghiệp ở Nga giảm xuống mức thấp kỷ lục 2,6% trong tháng 4, trong khi tiền lương thực tế tăng 13% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái do thiếu lao động. Mức lương thực tế này tăng nhanh hơn gấp hai lần so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước”, ông Kolyandr nói.
Nguồn: https://baoquocte.vn/lach-thanh-cong-lenh-trung-phat-cua-eu-nga-mat-nhieu-tien-hon-nen-kinh-te-lanh-manh-cung-khong-han-tin-tot-284409.html