Tại hội thảo, nhiều tham luận cho rằng, những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn các tỉnh phía nam đã và đang có những đóng góp nhất định, thiết thực. Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ cũng tồn tại những khó khăn, hạn chế như: Nguồn nhân lực tại địa phương có năng lực nghiên cứu triển khai, ứng dụng còn thấp; chưa có đề tài, dự án mang tính đột phá cao; việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu còn khó khăn; các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ được triển khai chưa bắt kịp với cuộc chuyển đổi Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ; các tỉnh phía nam chưa có đơn vị nòng cốt trong hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Các đại biểu, chuyên gia trình bày tham luận tại hội thảo |
Nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, ngành khoa học và công nghệ phía nam mong muốn được tăng cường hợp tác, kết nối với các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học trong khu vực để tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ (nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao); liên kết chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với các địa phương bạn nhằm tạo sự gắn kết chặt chẽ, khai thác tối đa nguồn lực và điều kiện sẵn có giúp các địa phương phát triển lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Kim Quyên, Tây Ninh là tỉnh có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, tiềm năng sản xuất nông nghiệp còn khá lớn, nhất là phát triển các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Thời gian qua, Sở luôn chú trọng việc nghiên cứu, triển khai, ứng dụng các đề tài, dự án giúp địa phương tiếp nhận, làm chủ và phát triển các kỹ thuật, công nghệ nhằm giải quyết các vấn đề về: nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng chủ lực của tỉnh như cây lúa, mía, mì; các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và sử dụng các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông sản an toàn. Ví dụ như, các dự án trên cây mía được triển khai hiệu quả thông qua chuyển giao các giống mía mới với năng suất vượt trội, kỹ thuật trồng thâm canh mía, nhân nuôi ong ký sinh phòng chống dịch hại rệp sáp bột hồng…
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo tham luận của đại diện các đơn vị quản lý khoa học-công nghệ về các giải pháp cụ thể chung cho toàn ngành, cũng như các giải pháp riêng, sáng tạo, phù hợp với đặc thù của địa phương. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực để các nhiệm vụ khoa học và công nghệ “đi vào cuộc sống”, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội khu vực Nam Bộ.
Phó Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Văn phòng phía nam Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Các tham luận, ý kiến trao đổi đã thẳng thắn nhìn nhận về những “rào cản”, khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội trong vùng đòi hỏi cần có sự tham gia tích cực của khoa học và công nghệ trong công tác nghiên cứu dự báo và nghiên cứu đề xuất các giải pháp để khắc phục. Hội thảo sẽ thu thập nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và lãnh đạo các địa phương đóng góp các giải pháp về cơ chế, chính sách để nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững của từng địa phương nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung ngày càng hiệu quả hơn.
Nguồn: https://nhandan.vn/nhieu-giai-phap-de-cac-nhiem-vu-khoa-hoc-va-cong-nghe-di-vao-cuoc-song-post827564.html