Ngọc Ngân, 18 tuổi, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre, gửi thư ứng tuyển học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ đã viết những lời tha thiết: “May mắn không tự nhiên rơi xuống, nên tôi muốn tự tạo ra may mắn để thay đổi cuộc đời mình”.
Cơn mưa chiều ập đến đột ngột, chị Yến lật đật từ dưới đám dừa nước lội lên bờ để kịp về nhà dẹp mấy bó lá vào chỗ khô ráo, đó là sinh kế của gia đình 7 miệng ăn.
Con gái của chị, tân sinh viên Ngô Thị Ngọc Ngân, 18 tuổi, cũng vừa đậu vào Trường cao đẳng Phát thanh truyền hình 2 (TP.HCM).
Ngô Thị Ngọc Ngân cùng mẹ chuốt cọng lá dừa kiếm tiền đi học – Thực hiện: MẬU TRƯỜNG – NHÃ CHÂN – DIỄM HƯỜNG – TÔN VŨ
Chị Lê Thị Yến, mẹ của tân sinh viên Ngô Thị Ngọc Ngân đang tranh thủ bó cọng dừa để bán gom tiền lo cho con đi học – Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Căn nhà tường cũ kỹ, trống trước dột sau nằm nép bên dòng sông Cầu Mương Điều, thuộc ấp An Qui, xã Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre là nơi nương náu của bốn mẹ con chị Yến cùng ba chị em chồng của chị bị câm điếc bẩm sinh.
“Mẹ tui kể lại, do sinh thiếu tháng nên tay chân tui yếu nhớt. Tui cứ dặt dẹo những năm tháng đầu đời và ai cũng nghĩ tui không thể đi lại được. Nhưng cũng may trời thương, đến năm 9 tuổi thì biết đi, rồi lâu dần tui cũng đi mần kiếm cơm được”, chị Lê Thị Yến, người phụ nữ có gương mặt khắc khổ, già hơn tuổi 48 của mình, kể chuyện.
Chị chỉ có thể bước đi chậm chạp một cách khó nhọc. Không chỉ vậy, ngay cả nói chuyện chị cũng gặp khó khăn và không thể nói một cách trôi chảy dù chỉ một câu đơn giản.
Nhưng người ốm yếu như chị lại trở thành trụ cột của một gia đình bảy miệng ăn, trong đó có bốn người bị câm điếc, tâm thần.
Lần về quá khứ bằng giọng kể đầy khó nhọc, chị Yến nói biến cố đến với gia đình chị khi cách đây khoảng 7 năm, ba của Ngân là anh Ngô Văn No mất đột ngột ở tuổi 52. Thời điểm đó, con gái lớn của chị Yến là Ngô Thị Ngọc Hân (sinh năm 1999) học lên lớp 7 thì phát bệnh tâm thần, phải gửi vào bệnh viện chữa trị. Con gái thứ hai Ngô Thị Ngọc Ngân (sinh năm 2006) lúc bấy giờ mới học lớp 7, còn con út Lê Hoài Nhân (sinh năm 2014) mới hơn 3 tuổi.
Ngoài các con, chị Yến còn phải chăm sóc thêm ba chị em chồng mình bị câm điếc bẩm sinh. “Có những lúc tui tưởng chừng không thể vượt qua được, bởi cảm giác vừa mất đi chỗ dựa lớn nhất, vừa phải lo kiếm miếng ăn cho cả gia đình”, chị Yến tâm sự. Nhưng nhìn các con nhóc nheo, chị Yến lại tiếp tục tập tễnh bước tiếp trên con đường đầy rẫy chông gai.
“Hồi ông xã còn sống, dù cũng bị câm điếc nhưng ổng mần đủ nghề như đóng đáy, đặt lọp bắt cá, móc mương mướn, bẻ dừa thuê. Thu nhập không cao nhưng cũng đủ đắp đổi qua ngày. Từ hồi ổng mất đến nay, trong nhà không khi nào dư ra vài chục ngàn để phòng khi đau bệnh”, chị Yến chua chát nói.
Trong căn nhà của Ngân hầu như không có tiếng nói cười, quá ít âm thanh. Một phần bởi trong bảy thành viên thì ba người cô bị câm điếc, suốt ngày lủi thủi với công việc chặt dừa nước, chuốt cọng dừa mưu sinh và chỉ giao tiếp với nhau bằng cử chỉ. Còn chị gái của Ngân cứ mỗi đợt điều trị bệnh tâm thần ở bệnh viện về lại nhốt mình trong phòng, cả ngày không nói với ai tiếng nào.
“Giờ chỉ còn hy vọng vô Ngân và em nó, mong con đổi đời”, chị Yến nhìn hai đứa con đang phụ chuốt cọng dừa, mắt ngập tràn hy vọng.
Mỗi ký cọng lá dừa, chuốt cả buổi trời bán chỉ được 5.000 đồng. Mỗi tấm lá mất hàng giờ đồng hồ để chằm cũng chỉ bán được 1.000 đồng, nên khi nhận thông báo số tiền học phí của Ngân sẽ đóng lần đầu là hơn 8 triệu đồng, người mẹ tội nghiệp ấy chỉ góp vào được khoảng hơn 1 triệu đồng. Đó là toàn bộ số tiền chị Yến có được sau những đêm thức trắng chuốt cọng lá dừa kể từ khi hay tin con đậu cao đẳng.
Chị Lê Thị Yến (48 tuổi) đang chằm lá, bên cạnh là tân sinh viên Ngô Thị Ngọc Ngân, con gái của chị Yến đang chuốt cọng dừa. Đây là nghề chính của cả gia đình 7 người, mang lại tổng thu nhập khoảng 50.000 đồng/ngày – Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Thương mẹ, sau những giờ học trên lớp, Ngân phụ mẹ chuốt cọng dừa để kiếm thêm thu nhập. Ngân kể, trong 3 năm học THPT, do thời gian học trên lớp chỉ học một buổi nên buổi còn lại em phụ mẹ làm kiếm thêm tiền.
“Khuya, khi mọi người đi ngủ hết, tôi mới bắt đầu học bài được. Hầu hết các bài học tôi đều hoàn thành trên lớp. Thời gian học ở nhà ít nên chỉ để ôn lại và tìm hiểu sâu hơn về các bài đã học”, Ngân chia sẻ bí quyết học của mình.
Ngay từ những năm THPT, xác định được tương lai nên Ngân đã nỗ lực hết mình để xin được xét các suất học bổng. Với kết quả học tập đáng nể, năm học 2023-2024 Ngân đoạt giải 3 kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh.
Tân sinh viên Trường cao đẳng Phát thanh truyền hình 2 (TP.HCM) Ngô Thị Ngọc Ngân (18 tuổi, ngụ huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) chọn học cao đẳng để nhanh ra trường đi làm kiếm tiền và dự định học lên sau – Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Ngoài ra, Ngân còn nhận được nhiều học bổng khác nhau, trong đó có suất học bổng “Chắp cánh ước mơ” của báo Tuổi Trẻ năm 2024.
Số tiền học bổng nhận được trong những năm qua, một phần Ngân phụ mẹ để trang trải trong nhà, một phần Ngân gom góp lại, cùng với tiền của mẹ chuốt cọng dừa, vừa đủ để Ngân đóng học phí lần này.
Dù mạnh mẽ đến mấy, nhưng với một cô gái mới bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời như Ngân đôi lúc không tránh khỏi hụt hẫng.
Những ngày này, những câu hỏi tự vấn trong đầu khiến Ngân đứng ngồi không yên. Bởi tiền học phí dù đã đóng lần đầu nhưng còn những lần tiếp theo liệu có gom đủ hay không? Liệu có tìm được việc làm thêm khi mới bước chân lên vùng đất hoàn toàn xa lạ? Tiền đâu để mua xe máy đi lại? Tiền đâu để mua máy tính đầu năm? Tiền đâu để đóng tiền trọ hằng tháng?…
Trong lá thư gửi báo Tuổi Trẻ để ứng tuyển học bổng “Tiếp sức đến trường”, có đoạn Ngân viết: “…Hiện tại cả gia đình phải sống trong căn nhà do ông nội xây để lại cho các cô cách đây hơn 35 năm. Nhà không còn cửa, mùa mưa nhà bị dột nát khắp tất cả các ngõ ngách, nước ngập dâng lên rất cao.
Hôm nay tôi viết đơn này mong được sự giúp đỡ cho gia đình tôi có cơ hội để bám víu với cuộc sống và có điều kiện vượt qua những khó khăn…”.
Những lời khẩn thiết của tân sinh viên Ngô Thị Ngọc Ngân khiến chúng tôi, những người làm chương trình “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ phải nhanh chóng tìm đến hoàn cảnh.
Ông Nguyễn Văn Tiến, trưởng ấp An Qui, cho biết gia đình của Ngân thuộc diện hộ nghèo, là 1 trong số 8 hộ nghèo còn lại của ấp An Qui.
Theo ông Tiến, biết được hoàn cảnh của gia đình Ngân gặp nhiều khó khăn nên khi có các phần quà của nhà hảo tâm, ông thường giới thiệu giúp. Bên cạnh đó, khi có những nhà hảo tâm muốn tìm hiểu về hoàn cảnh để hỗ trợ Ngân đi học, ông Tiến là người dẫn đến và giới thiệu về hoàn cảnh này.
Bà Ngô Thị Dứt, hàng xóm của Ngân, cho biết gia đình của Ngân rất nghèo nhưng Ngân rất ngoan, chăm học, nên bà con chòm xóm rất thương. “Cũng như nhiều người dân ở đây, tôi chỉ mong con bé được sự giúp đỡ của báo Tuổi Trẻ, để con bé nhận được học bổng và có thêm kinh phí đi học. Chứ gia đình nó nghèo quá, sợ không kham nổi”, bà Dứt nói.
Về phần Ngân, cô tân sinh viên có một ý chí kiên cường và nghị lực đáng nể, vẫn đang vùng vẫy tìm một lối đi cho mình. Đoạn kết trong đơn ứng tuyển học bổng, Ngân viết: “Bản thân em biết được rằng không có may mắn nào từ trên trời rơi xuống. Em viết đơn này để mong rằng chính bản thân mình sẽ tạo ra may mắn. Một phần thay đổi chính cuộc đời mình, phần còn lại em muốn mẹ, chị, em và ba người cô của em có một cuộc sống tốt hơn”.
Mời bạn quét mã QR này để đăng ký, giới thiệu tân sinh viên khó khăn cần tiếp sức đến trường. Chương trình nhận thông tin đến hết ngày 20-9-2024
Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: http://surl.li/fkfhms hoặc quét mã QR ở hình bên.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành hoặc tân sinh viên mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên, hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành, tên tân sinh viên mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.
MẬU TRƯỜNG
30-8-2024
Nguồn: https://tuoitre.vn/nu-sinh-trong-ngoi-nha-it-tieng-dong-muon-tu-tao-may-man-de-thay-doi-doi-minh-20240826140649976.htm