Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 7, ngày 17/6/2024, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và ngày 24/6/2024, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi). Tổng số có 83 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ý kiến tại Tổ và Hội trường (trong đó có 63 ý kiến thảo luận tại Tổ; 20 ý kiến thảo luận tại Hội trường). Các ý kiến cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi) tiếp tục được Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Chính vì thế, việc lấy ý kiến của các ĐBQH chuyên trách là tiền đề quan trọng để Quốc hội thảo luận nhằm đảm bảo dự án Luật chất lượng, có hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Đề xuất không đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế suất 5%
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, các ĐBQH tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung: Mức thuế suất 5%; miễn, giảm thuế để khuyến khích lĩnh vực văn hóa phát triển; trách nhiệm của người nộp thuế và cơ quan thuế trong hoàn thuế GTGT và một số vấn đề liên quan khác…
Đại biểu Mai Văn Hải- Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị giữ mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản thuộc diện không chịu thuế GTGT như quy định hiện hành. Lý do được đưa ra là thuế GTGT là thuế gián thu, người chịu thuế GTGT là người tiêu dùng cuối cùng. Việc chuyển phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sang chịu thuế suất 5% làm người nông dân phải chịu tác động lớn do giá các mặt hàng này sẽ tăng khi Thuế GTGT (sửa đổi) có hiệu lực, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp.
Ngoài ra, theo đại biểu Mai Văn Hải, hiện nay, vấn đề cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi còn rất yếu nên để lĩnh vực này phát triển thì không nên áp thuế đối với việc mua bán máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản.
Liên quan đến nội dung trên, đại biểu Dương Khắc Mai – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, nếu giữ quy định của luật hiện hành thì doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Khoản thuế này được tính vào chi phí sản xuất nên sẽ làm tăng giá sản phẩm, từ đó làm giảm tính cạnh tranh so với các sản phẩm nhập khẩu. Còn nếu đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% thì sẽ xử lý được các bất cập liên quan đến hoàn thuế GTGT đầu vào của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chắc chắn là khi tăng giá phân bón thì sẽ tác động đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người nông dân.
Mặc dù theo báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước báo cáo sẽ giảm giá nhưng theo quy luật vận hành theo kinh tế thị trường, việc này cũng không thể đảm bảo có diễn ra hay không. Vì Nhà nước cũng không thể bắt buộc doanh nghiệp giảm giá bán phân bón.
Với lý lẽ nêu trên, đại biểu Dương Khắc Mai chọn phương án là giữ như quy định hiện hành – mặt hàng phân bón không chịu thuế GTGT.
Nên miễn, giảm thuế để khuyến khích việc huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa
Đóng góp ý kiến về việc miễn, giảm thuế để khuyến khích lĩnh vực văn hóa phát triển, đại biểu Bùi Hoài Sơn – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội khẳng định: Chính sách thuế nói chung, thuế GTGT nói riêng có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển văn hoá. Thậm chí ở một số quốc gia trên thế giới, dù không có Bộ Văn hoá nhưng chỉ bằng chính sách động viên, khuyến khích như miễn, giảm thuế mà lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật của họ đã rất phát triển.
Ở nước ta, qua nhiều nghiên cứu, hội nghị, hội thảo, chúng ta đều thấy điểm nghẽn về thuế trong hỗ trợ, huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá. Vì vậy, miễn, giảm thuế (hoặc ít nhất là giữ nguyên mức thuế) chính là giải pháp cụ thể, thiết thực và thành tâm mà chúng ta có thể làm để phát triển văn hoá, từ đó tạo điều kiện chấn hưng đạo đức xã hội, phát triển bền vững đất nước từ văn hoá. Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, mặc dù dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) lần này đã có một số những chỉnh lý, sửa đổi những vẫn còn có một số bất cập như sau:
Thứ nhất, ở khoản 12, Điều 5, nguồn vốn do Nhân dân đóng góp, viện trợ nhân đạo cho cơ sở văn hoá vẫn phải chịu thuế. Như vậy là không khuyến khích được sự đóng góp của các nguồn hỗ trợ cho phát triển văn hóa ở cơ sở. Do đó, Ban soạn thảo dự án Luật nên nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung này.
Thứ hai, điểm e, khoản 26, Điều 5, việc tạo điều kiện cho các nhà sưu tập, cá nhân mua cổ vật Việt Nam từ nước ngoài về, từ đó chứng minh chủ quyền quốc gia về văn hoá, lịch sử, lưu giữ giá trị văn hoá, lịch sử dân tộc là nên khuyến khích. Vì vậy nên miễn thuế nhập khẩu cho cá nhân. Chỉ đánh thuế khi họ mua bán cổ vật không phải của Việt Nam, ở trong nước hoặc xuất khẩu.
Thứ ba, ở Điều 9, các hoạt động văn hoá, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim vốn đã được hưởng thuế suất 5% theo luật thuế hiện hành. Đây là những lĩnh vực giúp nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, xứng đáng được hưởng ưu đãi thuế. Tuy nhiên, sau nhiều nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, ý kiến của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước là cần ưu tiên phát triển văn hoá, chúng ta lại thực hiện bằng cách ngược lại là tăng thuế lên 10%. Vì thế, đại biểu Bùi Hoài Sơn đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi) xem xét lại nội dung này.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Sau thời gian thảo luận sôi nổi, tâm huyết và trách nhiệm, đã có 11 ý kiến ĐBQH phát biểu và có 2 lượt ý kiến tranh luận. Các ĐBQH đều đánh giá cao tinh thần làm việc, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, thẩm tra và các cơ quan hữu quan, sự chỉ đạo sâu sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật. Các ĐBQH nhất trí với nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh lý cũng như đóng góp thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án Luật. Đây là những ý kiến hết sức tâm huyết, trách nhiệm cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và cần được tiếp tục làm rõ, đánh giá kỹ tác động cung cấp thông tin đến các ĐBQH để đi đến thống nhất giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Tổng thư ký Quốc hội tổng hợp ý kiến thảo luận, có báo cáo gửi đến các ĐBQH và các cơ quan liên quan để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự án Luật. Ủy ban thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, soạn thảo và cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các ĐBQH và các Đoàn ĐBQH, các cơ quan, tổ chức nhằm tiếp tục hoàn chỉnh dự án Luật theo đúng quy định để trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/dai-bieu-chuyen-trach-thao-luan-ve-du-an-luat-thue-gia-tri-gia-tang-sua-doi-379043.html