Để đáp ứng nhu cầu nâng cao kỹ năng sản xuất nội dung số, Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang phối hợp Ban Biên tập Báo Kiên Giang tổ chức lớp tập huấn “Kỹ năng sản xuất chương trình Podcast” trong 2 ngày 27/8 và 28/8.
Giảng viên trực tiếp truyền đạt kiến thức cho người làm báo là nhà báo Đào Thị Hồng Lĩnh – Biên tập viên Kênh VOV Giao thông (Đài Tiếng nói Việt Nam) – Giảng viên kiêm chức Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội nhà báo Việt Nam.
Được biết Podcast là các tệp âm thanh kỹ thuật số trên mạng Internet. Người dùng có thể nghe trên các thiết bị như máy tính, điện thoại, máy tính bảng… hoặc tải xuống máy nghe cá nhân. Podcast không chỉ đơn thuần là một phương tiện giải trí mà còn là một kênh truyền thông hiệu quả, cho phép người làm báo truyền đạt ý tưởng và thông điệp một cách tự nhiên và chân thật. Lớp học thu hút hơn 50 học viên là các hội viên, phóng viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh, Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thông các huyện, thành phố trong tỉnh tham dự.
Phát biểu tại buổi khai mạc, nhà báo Đoàn Hồng Phúc – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh cho rằng: “Lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng thực tế cho những người làm báo, người làm ngành truyền thông. Việc nắm bắt và thành thạo các kỹ năng sản xuất nội dung Podcast là cần thiết, giúp người làm báo trong tỉnh Kiên Giang nhanh chóng thích nghi với nền tảng số, môi trường làm việc hiện đại. Từ đó, nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí theo xu hướng sản xuất báo chí hiện đại. Đây cũng là lộ trình chuyển đổi số báo chí tại tỉnh Kiên Giang theo chủ trương của Đảng và nhà nước”.
Trong 2 ngày tập huấn, nhà báo Đào Thị Hồng Lĩnh đã hướng dẫn học viên về những ưu thế của Podcast; các yếu tố quyết định thành công của một kênh Podcast; các thể loại phổ biến trong Podcast báo chí, cách tạo lập, quản lý một kênh Podcast…
Học viên được hướng dẫn từ những bước cơ bản như lên ý tưởng, sản xuất, đến cách phân phối Podcast trên các nền tảng nghe và lưu trữ Podcast phổ biến như: Anchor, Spotify, Apple Podcasts hay Google Podcasts. Sau phần lý thuyết, các học viên được chia thành các nhóm để thực hành sản xuất Podcast theo các chủ đề: Giao thông, ẩm thực, dân sinh, Gen Z… Các bài thực hành được nhà báo Đào Thị Hồng Lĩnh nhận xét chi tiết từ kịch bản, chất lượng âm thanh, kỹ năng dẫn dắt của người dẫn chương trình… Nhất là về chất lượng tiếng động, âm nhạc trong một sản phẩm Podcast được nhà báo Đào Thị Hồng Lĩnh đặc biệt nhấn mạnh và góp ý từng tác phẩm.
Đánh giá về nội dung và sự sáng tạo, nhà báo Đào Thị Hồng Lĩnh nhận xét: “Khoá tập huấn sôi nổi đến phút chót. Các học viên đã có những ý tưởng rất mới mẻ, “phá cách” và biết cách tận dụng những kiến thức đã tập huấn để biến ý tưởng thành sản phẩm thực tế. Trong thời gian ngắn, một số nhóm đã thể hiện được sự nhạy bén từ chủ đề để có phong cách truyền tải riêng, điều này rất quan trọng trong việc tạo dấu ấn riêng cho kênh Podcast của cơ quan hay kênh Podcast cá nhân”.
Sau khi hoàn thành các bài tập thực hành, nhiều học viên đã bày tỏ sự hào hứng và lớp tập huấn đã giúp học viên hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất Podcast cũng như những thách thức khi làm việc trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Nhà báo Đặng Bích Linh – Phóng viên Báo Kiên Giang chia sẻ: “Được tham gia lớp tập huấn về Podcast, tôi rất tâm đắc với các vấn đề gợi mở của giảng viên. Đặc biệt, qua việc đi thực tế và tự tay sản xuất một chương trình Podcast, tôi và nhóm được giảng viên và các đồng nghiệp góp ý rất nhiều như: Giọng đọc nhanh cần điều chỉnh chậm lại, nội dung nhân vật nói còn dài, chưa vào trọng tâm chủ đề, âm thanh hiện trường chưa được khai thác…
Báo Kiên Giang điện tử sau 2 năm đi vào hoạt động thì đến tháng 3-2024 mới có thêm Podcast bản tin 19 giờ. Sau khi tham gia lớp tập huấn này, tôi nhận thấy Podcast của Kiên Giang online cần thay đổi nhiều hơn để tiệm cận với Podcast của các báo lớn trên cả nước, từ đó thu hút độc giả nhiều hơn. Về cá nhân tôi, từ sự gợi mở của giảng viên tôi đang bắt tay thực hiện một kế hoạch mở Podcast của riêng mình, nội dung là đọc các đầu sách trong thư viện gia đình mà chồng tôi đã dành thời gian dài sưu tầm, trong đó, sẽ ưu tiên đọc những quyển sách về lịch sử hình thành vùng đất Kiên Giang, truyền thống đấu tranh của Đảng bộ, quân và dân Kiên Giang, ẩm thực Kiên Giang….
Còn theo Trần Quốc Giang – Phó phòng Khoa giáo – Văn hóa Văn nghệ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thư ký chi hội nhà báo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy – Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang thì cho biết: “Qua lớp tập huấn, tôi được tiếp cận với kiến thức mới về Podcast. Đồng thời, tôi hiểu được các đặc trưng cơ bản của phương thức truyền thông mới Podcast giúp cho tôi thuận lợi trong công tác tham mưu, giúp việc cho các lãnh đạo trong việc định hướng, quản lý về báo chí”.
Lớp tập huấn về Podcast đã mang lại những kiến thức và kỹ năng cần thiết, giúp người làm báo và truyền thông tại Kiên Giang tự tin hơn trong việc sản xuất nội dung số. Đây là một bước trong lộ trình chuyển đổi số báo chí của tỉnh Kiên Giang.
Trong bối cảnh mà mọi thứ đều diễn ra nhanh chóng và thay đổi liên tục, việc nắm bắt và sử dụng thành thạo công nghệ mới là vô cùng cần thiết. Podcast không chỉ là xu hướng mới mà còn là một công cụ quan trọng giúp người làm báo nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, chủ động xây dựng thương hiệu cá nhân, phát triển mối quan hệ và lan tỏa ảnh hưởng của cá nhân ra cộng đồng.
Nguồn: https://www.congluan.vn/nguoi-lam-bao-kien-giang-trai-nghiem-voi-podcast-post309712.html