Sáng 29/8, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đã tổ chức thành công buổi đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 30 thửa đất thuộc khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc (Phúc Thọ, Hà Nội) và 9 thửa đất thuộc khu Đồng Phươm, xã Thọ Lộc (Phúc Thọ, Hà Nội).
Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ cho biết huyện nhận được tổng cộng 650 hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá hợp lệ và có hơn 350 người tới tham gia hoạt động đấu giá trực tiếp.
Với mức giá khởi điểm là 23,4 triệu đồng/m2, mức giá trúng đấu giá cho 39 thửa đất kể trên dao động từ 24 triệu đồng/m2 tới 60 triệu đồng/m2.
Giá 60 triệu đồng/m2 chỉ hợp với nhà đầu tư bất động sản?
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Phùng Hữu Thắng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) – người đấu giá cao nhất với 60 triệu đồng/m2 cho lô đất ĐG06 cho biết ông đi đấu giá theo sự uỷ quyền của một nhà đầu tư.
Theo đó, ông Thắng chia sẻ khi tìm hiểu về vị trí địa lý của Phúc Thọ, hạ tầng quanh khu vực, mức giá thị trường xung quanh… thì ông Thắng đã lựa chọn đưa ra mức giá 60 triệu đồng/m2 cho thửa đất mà bản thân đánh giá là “đẹp nhất trong số 39 lô”.
Dù vậy, chính ông Thắng cũng thừa nhận mức giá 60 triệu đồng/m2 là khá cao so với khu vực và so với tổng thể phiên đấu giá.
Ban đầu ông cũng có ý định trả giá chỉ trên 50 triệu đồng/m2 nhưng “sợ mất miếng đất đẹp vào tay người khác” nên quyết định đưa ra một mức giá cao để loại bỏ hoàn toàn các rủi ro phải cạnh tranh cùng các đối thủ khác.
Cũng tham gia đấu giá nhưng không trúng bất cứ lô đất nào, anh Lê Đình Thắng (32 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) nhận xét rằng mức giá trúng đấu giá hôm nay so với thị trường tương đối cao.
Nguyên do nói như vậy bởi ông Thắng cho biết bản thân đã khảo sát khu vực xung quanh vùng có đất đấu giá thì ghi nhận mức giá chỉ ở dưới 30 triệu đồng/m2 còn đang chưa tìm được người có nhu cầu mua.
Trong khi đó mức giá trúng lại có những lô lên tới 50-60 triệu đồng/m2 thì ông Thắng nhận định mức giá trên là tương đối “ảo”, tuy nhiên do đặt cọc cao nên ông nghĩ sẽ không có ai dám bỏ cọc số tiền hàng trăm triệu đồng.
Là một người tham gia vào nhiều phiên đấu giá tại huyện Phúc Thọ trước đây, anh Thắng cho biết các phiên đấu giá trước của huyện ghi nhận số lượng người tham gia rất ít chỉ trên dưới chục người với nhu cầu ở thực, thậm chí có phiên còn phải chịu cảnh “vườn không nhà trống”.
Thế nhưng đến phiên này, số lượng người tham gia tăng cao đột biến cho thấy sức nóng của thị trường.
“Bây giờ thị trường nhà đất đi lên, người nhiều tiền thì người ta đổ vào đất thôi. Hiện nay đất đang “sốt”, ngân hàng đang mở cửa cho vay nên việc số lượng người tham gia đấu giá tăng cao là hoàn toàn hợp lý”, anh Thắng nói.
Bản thân là người từng tham gia đấu giá ở Hoài Đức và trúng giá một mảnh đất với mức giá khá cao, nhưng anh Thắng chia sẻ hiện nay vẫn chưa rao bán thành công được lô đất trên bởi giá cao và thị trường có vẻ còn đang dè chừng.
Đánh giá về hiệu quả của việc đặt cọc cao và đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu, bà Cấm Thị Phượng (xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ) nói bản thân thấy cách đấu giá bỏ phiếu là hợp lý, vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch mà lại đỡ mất quá nhiều thời gian cho cả đơn vị tổ chức lẫn người tham gia đấu giá.
Tuy nhiên chia sẻ quan điểm cá nhân về mức trúng đấu giá hôm nay, bà Phượng cho rằng mức giá này đang cao hơn so với mặt bằng chung trong khu vực.
Định tham gia đấu giá để sở hữu lô đất nhằm xây nhà ở lâu dài, bà Phượng nói mức giá khoảng 30 triệu đồng/m2 là hợp lý, người dân có nhu cầu ở thực dễ tiếp cận.
Còn với mức giá quá cao trên 50-60 triệu đồng/m2 thì bà Phượng chia sẻ, sẽ chỉ tiếp cận được với đối tượng là nhà đầu tư bất động sản còn khó để người dân tại khu vực này có nhu cầu ở thực có thể sở hữu đất.
Chưa tiến hành đấu giá, các tụ điểm môi giới bán đất đấu giá đã mọc lên như nấm
Đáng chú ý, ngay từ khi hoạt động bỏ phiếu còn chưa bắt đầu thì Người Đưa Tin ghi nhận tại khu vực các lô đất được đem ra đấu giá đã có nhiều môi giới tập trung rao bán đất đấu giá, nhiều vị trí còn ghi nhận đề bảng biển rất rõ ràng với tiêu đề “Bán đất đấu giá”.
Đội ngũ môi giới này chuẩn bị rất kỹ càng từ bàn ghế cho khách tới xem và giấy tờ thông tin về từng mảnh đất.
Khi hỏi kỹ hơn thì dù chưa đưa ra được mức giá chính thức nhưng đội ngũ môi giới ở đây cũng giới thiệu với khách là đất đấu giá sẽ được bán lại khoảng 40 triệu đồng/m2 – con số này rất trùng hợp lại chỉ chênh lệch nhẹ so với kết quả đấu giá.
Theo đó, gần như môi giới “nắm trong tay” số tiền ngã ngũ của phiên đấu giá còn chưa diễn ra này và đưa ra một mức giá rất phù hợp đủ để có lợi nhuận cho mình, mà lại không quá cao so với mặt bằng chung trong khu vực (khoảng 30 triệu đồng/m2).
Không bất ngờ khi ngay sau thời điểm phiên đấu giá kết thúc, đối diện cổng Trung tâm Văn hoá huyện Phúc Thọ – nơi vừa diễn ra hoạt động đấu giá đã có rất nhiều nhóm môi giới mời chào khách mua, từ mời chào trực tiếp đến gọi điện rao bán đều rất tấp nập.
Ngoài những môi giới trúng giá đất rồi rao bán sang tay thì cũng có một số lượng lớn “cò” đi theo những người trúng giá đất để xin được làm môi giới bán lại sang tay cho khách hàng khác.
Cái giá mà những môi giới này đưa ra là khoảng 50 triệu đồng/giao dịch thành công, thậm chí có người còn kì kèo chỉ lấy 30 triệu đồng/giao dịch.
Trao đổi thêm, đa số đất tại phiên đấu giá được môi giới bán chênh từ 200-300 triệu đồng/thửa đất tuỳ từng vị trí.
Đến khoảng hơn 12h trưa ngày 29/8 phóng viên Người Đưa Tin ghi nhận có một số nhà đầu tư, khách hàng đến tận nơi đón môi giới đi xem đất trực tiếp sau khi nhận được cuộc gọi mời chào cho thấy “sức nóng” và sự quan tâm hơn bao giờ hết của thị trường địa ốc vùng ven Hà Nội.
Hồng Nhung – Hữu Thắng
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/dau-gia-dat-phuc-tho-nha-dau-tu-khen-60-trieu-m2-hop-ly-nguoi-dan-noi-30-trieu-m2-moi-la-gia-phu-hop-20424082913140434.htm