Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh bài viết “Thẻ tín dụng dễ mở, khó hủy”, nhiều khách hàng tiếp tục thông tin về trường hợp trầy trật đi hủy của mình.
Ông Nguyễn Nam (ngụ TP HCM) kể do một người bạn đang làm việc tại ngân hàng cổ phần ở TP HCM nhờ ủng hộ chỉ tiêu nên đã mở một thẻ tín dụng hạn mức 30 triệu đồng. Thủ tục mở thẻ khá đơn giản, chỉ cần cung cấp CCCD và số điện thoại, chụp màn hình nhận lương 3 tháng gần nhất.
Sau hơn 1 tuần, ông nhận được thẻ và được bạn làm ngân hàng hướng dẫn nạp thẻ cào 100.000 đồng để kích hoạt. Sau khoảng 2 tháng không có nhu cầu chi tiêu, ông Nam quyết định hủy thẻ trên ứng dụng ngân hàng (app) nhưng không được, liên hệ nhân viên tư vấn thì được yêu cầu ra quầy giao dịch hoặc gọi tổng đài để hủy.
Do bận rộn công việc, ông chọn cách liên hệ tổng đài nhiều lần để hủy nhưng không thành công, cuối cùng đành tạm thời khóa thẻ trên app phòng trường hợp bị đánh cắp thông tin thẻ.
“Một thời gian sau, tôi nhận được thông báo từ ngân hàng phải đóng phí thường niên gần 300.000 đồng. Loay hoay không thanh toán được khoản phí này, lo sợ bị nợ xấu, tôi ra chi nhánh ngân hàng thì được thông báo chỉ nộp phí thường niên, còn hủy thẻ phải… gọi tổng đài hoặc tới chi nhánh khác, ở quận khác. Gọi tổng đài nhiều lần không được, tôi lại tiếp tục chạy đến phòng giao dịch của ngân hàng này ở quận Phú Nhuận để hủy” – ông Nam kể.
Vì sao làm thẻ thì nhanh mà hủy thì lâu và nhiều thủ tục phức tạp, là câu hỏi được nhiều khách hàng băn khoăn? Trên app ngân hàng, cũng chỉ có thể tạm khóa thẻ hoặc khóa chức năng thanh toán online, thay vì đăng ký hủy thẻ?
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, do đặc thù thẻ tín dụng là dòng chi tiêu trước, trả tiền sau với thời gian miễn lãi suất từ 45-55 ngày (tùy dòng thẻ). Do đó, nếu khách hàng có nhu cầu hủy thẻ sẽ cần thời gian để ngân hàng phát hành thẻ rà soát với các tổ chức thẻ…
Vì sao nhiều ngân hàng bắt buộc hủy thẻ qua tổng đài, thay vì chi nhánh, phòng giao dịch?
Theo một số ngân hàng, việc tập trung tiếp nhận yêu cầu hủy thẻ qua tổng đài mục đích là để giúp khách hàng tiện lợi trong việc không cần phải di chuyển xa, vẫn có thể thực hiện yêu cầu ngay tại nhà hay tại văn phòng. Quy định này cũng phù hợp với nhịp sống tất bật của đa số người dùng thẻ là các thế hệ trẻ 8x, 9x thường không có nhiều thời gian trong giờ hành chính…
Đại diện một ngân hàng cho hay khi số dư thẻ tín dụng của khách hàng về 0 và có nhu cầu hủy thẻ, sẽ được “đóng băng” tạm thời. Nếu muốn hủy thẻ tín dụng, khách hàng cần gọi lên tổng đài yêu cầu, ngân hàng sẽ kiểm tra thẻ, nếu đạt yêu cầu dư nợ về 0 sẽ khóa thẻ tạm thời. Và trong vòng 30 ngày sau sẽ hủy thẻ.
Đây là quy trình chung của nhiều ngân hàng vì có thể có những giao dịch của đơn vị trung gian thanh toán xử lý chậm, lỗi hệ thống nên dư nợ phát sinh trong thẻ được cập nhật chậm…
Cán bộ phụ trách trung tâm thẻ một ngân hàng cổ phần khác ở TP HCM cũng nói thêm, tại ngân hàng ông, quy trình để hủy thẻ tín dụng mất trung bình 3 ngày làm việc, trong đó gồm chủ thẻ phải thanh toán toàn bộ dư nợ đã sử dụng, bao gồm cả giao dịch đã sử dụng hoặc vừa sử dụng.
“Trường hợp giao dịch vừa sử dụng, chủ thẻ có thể phải đợi vài ngày để đơn vị chấp nhận thẻ (ngân hàng phát hành máy cà thẻ nơi chủ thẻ đã giao dịch mua hàng) tiến hành kết toán giao dịch về ngân hàng phát hành thẻ. Thời gian kết toán giao dịch này theo quy định của các bên có thể lên đến 30 ngày” – cán bộ ngân hàng này giải thích.
Các ngân hàng khuyến cáo những thông tin quan trọng chủ thẻ cần lưu ý gồm tính năng thẻ, ngày chốt sao kê, thời gian thanh toán, mức thanh toán và cách thanh toán dư nợ thẻ. Mức phí thường niên và các ưu đãi dành cho mức phí này (nếu có) cùng một số loại phí khác thường gặp trong quá trình dùng thẻ, cách tra cứu đầy đủ biểu phí. Cơ chế tính lãi thẻ khi chủ thẻ không thể thanh toán đầy đủ toàn bộ dư nợ thẻ…
Nguồn: https://nld.com.vn/ngan-hang-len-tieng-viec-khach-hang-kho-so-khi-huy-the-tin-dung-196240829134359847.htm