Xác định năm học 2024 – 2025 là một năm học đánh dấu mốc thời gian đặc biệt: hoàn tất việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) từ lớp 1 đến lớp 12; cũng là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trước khi bước vào năm học mới 2024 – 2025, ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng đã chuẩn bị các điều kiện để bảo đảm cho năm học mới như rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất, rà soát biên chế, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, định hướng các nội dung nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong năm học.
Năm học 2024 – 2025, tỉnh Sóc Trăng có 475 trường (458 trường công lập, 17 trường ngoài công lập). Trong đó, cấp THPT có 40 trường (39 trường công lập, 1 trường ngoài công lập); cấp THCS có 108 trường (106 trường công lập, 2 trường ngoài công lập); cấp tiểu học có 197 trường (195 trường công lập, 2 trường ngoài công lập); bậc học mầm non – mẫu giáo có 130 trường (118 trường công lập, 12 trường ngoài công lập). So với năm học 2023 – 2024, năm học này giảm 4 trường.
Tỉnh cũng đã bố trí ngân sách chi bảo đảm hoạt động giáo dục và thực hiện tốt chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số, chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh thuộc diện chính sách; thực hiện phân bổ ngân sách để mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng Châu Tuấn Hồng, năm học 2024 – 2025, ngành giáo dục tỉnh có 17.452 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Hiện nay, 100% cán bộ quản lý của ngành đạt trình độ chuẩn, trong đó có 36,5% trên chuẩn. Có 92,69% giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019.
Để chuẩn bị cho năm học mới, Sở đã tranh thủ thời gian trong hè, tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, lý luận chính trị cho cán bộ quản lý và giáo viên.
Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Vụ, Cục của Bộ Giáo dục và Đào tạo để cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp tiếp cận với chuyên gia nắm bắt cách thức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; phối hợp với các nhà xuất bản để cán bộ quản lý, giáo viên được hướng dẫn khai thác, sử dụng sách giáo khoa từ các chủ biên của các bộ sách khác nhau; phối hợp với các viện, các trường đại học để cán bộ quản lý, giáo viên được nâng cao năng lực chuyên môn từ những giảng viên, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/-soc-trang-nang-cao-chat-luong-giao-duc-ngang-tam-khu-vuc-i386172/