Theo Dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang được Bộ Tài chính hoàn thiện, ô tô điện hybrid tự sạc (HEV) từ 9 chỗ ngồi trở xuống sẽ bị tăng thuế suất.
Việc ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe PHEV và HEV góp phần giảm ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn. |
Các nước đều ưu đãi thuế cho xe PHEV và HEV
Theo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt hiện hành, xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, trong đó tỷ trọng xăng sử dụng không quá 70% số năng lượng sử dụng, áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe cùng loại sử dụng động cơ đốt trong.
Bộ Tài chính cho rằng, quy định trên đã khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các loại xe thân thiện với môi trường là xe có cả động cơ xăng và động cơ điện, trong điều kiện bình thường xe chủ yếu chạy bằng động cơ điện, còn động cơ xăng có tính chất dự phòng (khi ắc quy dùng để chạy động cơ điện hết điện), lượng khí thải ra môi trường thấp hơn nhiều so với loại xe ô tô thông thường khác.
Tuy nhiên, để tránh nhầm lẫn với xe hybrid có 2 động cơ và trong điều kiện bình thường thì chủ yếu chạy bằng động cơ xăng (HEV), chỉ ưu đãi thuế đối với xe ô tô nạp điện bằng hệ thống sạc điện riêng (PHEV) với mức thuế suất bằng 70% mức thuế áp dụng đối với xe chạy bằng nhiên liệu xăng dầu. Như vậy, xe HEV phải nộp thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt như xe chạy năng lượng xăng dầu, thay vì chỉ bằng 70% như hiện nay.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), hiện tại ở Việt Nam, tỷ lệ sử dụng xe HEV và PHEV chưa cao như nhiều nước trên thế giới, ảnh hưởng đến cam kết Net Zero đến năm 2050 của Chính phủ Việt Nam, vì thuế tiêu thụ đặc biệt ưu đãi hiện hành chưa hấp dẫn, trong khi giá bán 2 loại xe này cao hơn 10-20% so với xe chạy nhiên liệu cùng loại.
Vì vậy, VAMA đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xe HEV như hiện nay (bằng 70% xe ô tô chạy xăng/dầu cùng loại) và với xe PHEV bằng 50% so với xe xăng dầu thay vì 70% như hiện nay. “HEV giảm nhiên liệu/xả thải 30-40% so với xe động cơ đốt trong cùng loại, trong khi PHEV tiết kiệm trên 50% so với xe động cơ đốt trong, nên cần khuyến khích sử dụng”, VAMA kiến nghị.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thái, thành viên điều hành Dịch vụ Thuế và hỗ trợ doanh nghiệp, Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG, các nước trên thế giới và trong khu vực đều áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt ưu đãi đối với 2 loại xe trên, như Thái Lan áp mức thuế ưu đãi thấp hơn từ 17% đến 27% so với xe động cơ đốt trong; Indonesia thấp hơn từ 8% đến 40%.
Kết quả là ở Thái Lan, tổng lượng tiêu thụ xe PHEV và HEV tăng 86,58% vào năm 2022; thị phần xe PHEV và HEV tăng từ 2% năm 2018 lên 15% vào năm 2023. Còn ở Indonesia, doanh số bán xe tiết kiệm năng lượng tăng 22%/năm.
Phải nuôi dưỡng nguồn thu
Theo tính toán của VAMA, nếu áp dụng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe PHEV bằng 50% và xe HEV bằng 70% so với xe động cơ đốt trong, nguồn thu ngân sách nhà nước bị giảm trong ngắn hạn nhưng không đáng kể. Bù lại, hàng năm Việt Nam giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ hơn 1 triệu lít, tương đương 27.000 tỷ đồng; giảm nhu cầu nhập khẩu hơn 14 triệu thùng dầu thô, tương đương 29.000 tỷ đồng, qua đó giảm áp lực lên cán cân thương mại của Việt Nam.
Việc ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe PHEV và HEV giúp người tiêu dùng tiếp cận được các dòng xe này ở mức chi phí hợp lý hơn, qua đó làm giảm tổng lượng CO2 phát thải hơn 2,6 triệu tấn CO2, góp phần đạt được mục tiêu giảm khí carbon trong lĩnh vực giao thông theo định hướng của Chính phủ; góp phần giảm ô nhiễm không khí và tác động có hại đến sức khỏe con người, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đang xây dựng chính sách thuế theo hướng giảm thuế trực tiếp, tăng thuế gián tiếp. Thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế gián tiếp (đánh vào người tiêu dùng thông qua doanh nghiệp) được điều chỉnh tăng trong lần sửa đổi này, theo ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), cũng là theo xu hướng chung của thế giới để cân bằng nguồn thu do giảm các loại thuế khác.
Muốn nâng giảm trừ gia cảnh qua đó giảm thuế thu nhập cá nhân; nâng doanh thu chịu thuế từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng/năm đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh; thực hiện các ưu đãi qua đó gián tiếp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân bỏ vốn ra đầu tư, tăng cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài, thì phải tăng thuế gián thu để bảo đảm thu đủ chi.
“Tuy nhiên, việc tăng thuế đánh vào loại hàng hóa nào, tăng bao nhiêu phải được tính toán trên cơ sở khuyến khích đầu tư, nuôi dưỡng nguồn thu, thì ngân sách nhà nước mới tăng thu ổn định, lâu dài. Nếu chính sách thuế tăng không hợp lý, ngân sách nhà nước không những không tăng thu, thậm chí còn bị giảm”, ông Phụng khuyến cáo.
Nhật Bản cũng thực hiện chính sách ưu đãi thuế đối với xe HEV và PHEV. Kết quả là, trong năm 2022, lượng xe HEV bán ra chiếm 40% thị phần, vượt qua số lượng xe động cơ ô tô đốt trong được bán ra; số lượng xe PHEV bán ra trong năm 2022 đạt 37.000 chiếc, gấp 2 lần năm 2021.
Nguồn: https://baodautu.vn/chua-nen-tang-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-xe-hev-d223412.html