Nếu không kiểm soát bệnh kịp thời, tiểu đường có thể gây ra những biến chứng rất nghiêm trọng, làm suy giảm sức khỏe và ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của bệnh nhân. Dưới đây là một số biến chứng tiểu đường thường gặp và những lưu ý để phòng ngừa hiệu quả.
1. Các biến chứng bệnh tiểu đường
Tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa mãn tính, khiến lượng đường trong máu tăng cao. Nếu để bệnh trong một thời gian dài mà không có phương pháp kiểm soát, điều trị, tình trạng đường máu tăng cao có thể gây tổn thương đến mạch máu nhỏ và mạch máu lớn và hàng loạt các biến chứng nguy hiểm. Có thể phân loại biến chứng tiểu đường thành các nhóm lớn là biến chứng tiểu đường mạch máu nhỏ và biến chứng mạch máu lớn:
Bệnh tiểu đường cần được kiểm soát sớm để hạn chế nguy cơ biến chứng
1.1. Biến chứng mạch máu nhỏ (bệnh vi mạch tiềm ẩn)
– Võng mạc đái tháo đường: Đây là biến chứng tiểu đường nguy hiểm và có thể dẫn đến mù lòa. Khi xảy ra biến chứng, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như nhìn mờ, bong võng mạc, mất thị lực một phần hoặc toàn phần,… Nếu phát hiện sớm, người bệnh có thể điều trị hiệu quả và hạn chế nguy cơ mất thị lực.
– Bệnh thận đái tháo đường: Tình trạng này thường đi kèm với tăng huyết áp và khiến tăng cao mức độ nguy hiểm của bệnh. Bệnh thận do đái tháo đường thường không xuất hiện triệu chứng cho đến khi tiến triển thành hội chứng thận hư hay suy thận mạn tính.
– Bệnh thần kinh đái tháo đường: Lượng đường trong máu tăng cao gây ra những ảnh hưởng trực tiếp đến những tế bào thần kinh, làm suy giảm chức năng thần kinh.
+ Bệnh thần kinh ngoại biên: Là tình trạng bệnh gây ảnh hưởng đến dây thần kinh bàn chân, cẳng chân, bàn tay, cẳng tay,… Bệnh gây ra cảm giác ngứa, tê, thậm chí mất cảm giác ở bàn chân,…
Người bệnh có thể tê ngứa hay mất cảm giác ở bàn chân
+ Bệnh thần kinh tự chủ: Là những trường hợp bệnh nhân bị ảnh hưởng đến dây thần kinh tự chủ ở hệ tiết niệu, hệ tim mạch, tuyến mồ hôi,…. khiến người bệnh không cảm nhận được những biểu hiện hạ đường huyết.
+ Bệnh đơn dây thần kinh: Là biến chứng tiểu đường gây tổn thương đến những dây thần kinh đơn lẻ, chẳng hạn như hội chứng ống cổ tay gây đau hay teo cơ bàn tay,…
+ Bệnh đám rối – rễ thần kinh: Có thể dẫn đến teo cơ, giảm khả năng vận động của người bệnh.
1.2. Biến chứng mạch máu lớn
– Đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim
– Thiếu máu não thoáng qua và đột quỵ.
1.3. Bệnh động mạch ngoại biên
Rối loạn chức năng miễn dịch: Biến chứng này phát triển từ những tác động trực tiếp của tăng đường huyết trên miễn dịch tế bào. Bệnh nhân tiểu đường đặc biệt dễ bị nhiễm trùng do vi khuẩn và do nấm.
1.4. Một số biến chứng tiểu đường khác
– Biến chứng tiểu đường liên quan đến da như nhiễm trùng nấm da, u hạt hoại tử, bạch biến,…
2. Phải làm sao để phòng ngừa biến chứng tiểu đường?
Từ những biến chứng nghiêm trọng nêu trên có thể thấy rằng tiểu đường rất nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và áp dụng những cách điều trị, kiểm soát bệnh tích cực thì bệnh nhân có thể “chung sống hòa bình” với căn bệnh này. Dưới đây là một số phương pháp giúp phòng tránh biến chứng tiểu đường:
Người bệnh nên thực hiện chế độ ăn uống khoa học
– Nếu có biểu hiện bệnh hoặc nằm trong nhóm nguy cơ cao, bạn nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán bệnh chính xác và được bác sĩ lên phác đồ điều trị cụ thể, đồng thời cung cấp những kiến thức, thông tin đáng tin cậy về bệnh cũng như cách chăm sóc sức khỏe dành cho người bị tiểu đường.
– Người bệnh cần tái khám thường xuyên theo đúng lịch hẹn của bác sĩ (ít nhất là khoảng 4 lần/năm), bên cạnh đó, cần chủ động theo dõi tình trạng đường huyết và uống thuốc đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong quá trình thăm khám, tùy từng trường hợp bệnh nhân, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể về vấn đề kiểm tra mắt, hay kiểm tra chức năng thận, tim mạch, hệ thần kinh,… để từ đó phát hiện sớm biến chứng và điều trị kịp thời.
– Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng sức khỏe: Người bệnh nên ăn nhiều rau xanh và trái cây, nhưng không nên ăn các loại trái cây chín, có lượng đường cao. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần hạn chế ăn một số chất béo bão hòa như mỡ heo, da gà, bơ, sữa…), không nên ăn đồ mặn, không nên uống bia rượu để hạn chế nguy cơ tăng cholesterol trong máu, dẫn đến những biến chứng về tim mạch, đột quỵ… Bệnh nhân tiểu đường cũng nên loại bỏ thói quen hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa biến chứng.
– Thường xuyên vận động thể chất, duy trì cân nặng ổn định cũng là những yếu tố rất quan trọng giúp bạn phòng tránh biến chứng tiểu đường, nâng cao sức khỏe.
Người bệnh cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên
– Để hạn chế những biến chứng ở chân, bệnh nhân nên thực hiện một số lưu ý như sau:
- Thường xuyên rửa chân hàng ngày bằng nước ấm. Tuy nhiên, không nên ngâm chân quá lâu để tránh làm khô chân.
- Dùng các loại kem dưỡng ẩm không mùi để dưỡng ẩm cho bàn chân, mắt cá chân.
- Mang tất mềm (không quá chặt ở vùng cổ chân), đi giày mềm và hạn chế thói quen đi chân đất.
- Khi cắt móng chân cần chú ý đến việc mài nhẵn, hạn chế làm trầy xước da.
– Giữ tinh thần lạc quan vui vẻ, suy nghĩ tích cực, đảm bảo ngủ đủ giấc,… cũng là những yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa biến chứng do tiểu đường gây ra.
Có thể nói rằng, biến chứng tiểu đường thường do tình trạng đường huyết tăng cao quá mức và trong thời gian dài mà không được kiểm soát. Để phòng tránh biến chứng, bệnh nhân nên hiểu rõ về bệnh, điều chỉnh lối sống, chế độ ăn và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Mọi thắc mắc hoặc có nhu cầu thăm khám bệnh, tiểu đường trực tiếp tại viện hoặc muốn sử dụng dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi để tiết kiệm thời gian, mời quý khách hàng liên hệ đến tổng đài chăm sóc khách hàng 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC, các tổng đài viên luôn sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ bạn.
Nguồn: https://medlatec.vn/tin-tuc/bien-chung-tieu-duong-va-nhung-luu-y-de-phong-tranh