Ngày 28.8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới”.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Sơn – Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền – cho biết, đây là một hoạt động khoa học rất có ý nghĩa, góp phần tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW và đánh giá thực trạng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xuất bản thời gian qua.
Đồng thời là dịp để các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các ban, bộ, ngành, các cơ sở đào tạo, cơ quan xuất bản nghiên cứu, thảo luận, đề xuất những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp, kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
PGS.TS Phạm Minh Sơn cũng cho biết, hiện Học viện Báo chí và Tuyên truyền đang đối mặt với nhiều thách thức chung trong hoạt động đào tạo xuất bản hiện nay như: Chất lượng đầu ra của công tác đào tạo còn chưa đồng đều; áp lực từ việc thiếu nguồn lực đào tạo về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất – kỹ thuật; công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về xuất bản còn chậm, chưa theo kịp tình hình thực tiễn…
Cùng chia sẻ về vấn đề này tại Hội thảo, PGS.TS Đỗ Thị Quyên – Chủ tịch Hội đồng trường, Đại học Văn hóa Hà Nội đã đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam.
“Thứ nhất cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên. Thứ hai là gắn kết cơ sở đào tạo với cơ quan, doanh nghiệp sử dụng sản phẩm đào tạo, hợp tác quốc tế trong khu vực và thế giới về công tác đào tạo nói chung, công tác đào tạo và nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên của ngành đào tạo nói riêng.
Thứ ba, đổi mới đào tạo từ hình thức đến nội dung chương trình, nội hàm từng môn học. Thứ tư, tăng cường hệ thống học liệu (bao gồm giáo trình, tài liệu chuyên khảo, tham khảo) phục vụ công tác đào tạo” – PGS Quyên nhấn mạnh.
Chia sẻ tại Hội thảo, ThS Phạm Tuấn Vũ – Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực ngành Xuất bản, In và Phát hành trong giai đoạn mới.
“Thực tế chứng minh, nguồn nhân lực – đội ngũ những con người tri thức, sáng tạo, nhiệt huyết, tận tâm và trách nhiệm là tài sản quý báu nhất, quan trọng nhất quyết định thành bại trong cạnh tranh và việc hiện thực hóa tầm nhìn, sứ mệnh trong quá trình phát triển của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, cơ sở in” – ThS Vũ bày tỏ.
Khẳng định để thực hiện thành công Chiến lược thúc đẩy phát triển lĩnh vực Xuất bản, In và Phát hành xuất bản phẩm giai đoạn 2021 – 2025, TS Trần Chí Đạt – Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông cho rằng, cần từng bước chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản. Các nhà xuất bản và công ty phát hành sách cần phải có đội ngũ nhân lực có năng lực đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn chuyển đổi số.
TS Trần Chí Đạt cũng nêu nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hoạt động xuất bản ở Việt Nam hiện nay. Trong đó, nhấn mạnh việc các cơ sở đào tạo cần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong việc ứng dụng công nghệ cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên của nhà trường.
Đồng thời, cần nhanh chóng xây dựng và phát triển hệ thống đại học số/trung tâm nghề số, trung tâm bồi dưỡng số thuộc các cơ sở đào tạo ngành xuất bản, phát hành.
Nguồn: https://laodong.vn/giao-duc/nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-cho-hoat-dong-xuat-ban-1386026.ldo