Hội thảo được tổ chức tại Hà Nội, với sự tham gia của hàng chục nhà khoa học lúa gạo hàng đầu đến từ 15 quốc gia thành viên của AFACI (viết tắt của Sáng kiến Hợp tác Nông nghiệp và Lương thực châu Á).
AFACI là một chương trình hợp tác đa phương của Tổng cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc (RDA) nhằm mục đích cải thiện sản xuất lương thực và thúc đẩy nông nghiệp bền vững ở một số quốc gia thuộc châu Á, trong đó có Việt Nam, thông qua chuyển giao và chia sẻ kiến thức, công nghệ. Để hiện thực hóa các mục tiêu của mình, AFACI đã và đang triển khai, quản lý, tài trợ và điều phối các dự án đa phương, đào tạo tập huấn, hội thảo quốc tế.
Sáng kiến Hợp tác Nông nghiệp và Lương thực châu Á (AFACI) được thành lập vào tháng 11/2009 tại Seoul, Hàn Quốc, với sự tham gia của 12 quốc gia châu Á. Đến nay, AFACI gồm 15 quốc gia thành viên, gồm: Bangladesh, Bhutan, Campuchia, Lào, Indonesia, Kyrgyzstan, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan, Uzbekistan, Việt Nam và Hàn Quốc. Ban Thư ký AFACI có trụ sở tại Trung tâm Hợp tác Công nghệ Quốc tế (ITCC), Tổng cục Phát triển Nông thôn ở tỉnh Jeonju (Hàn Quốc).
Tầm nhìn của AFACI là thành lập mạng lưới các nước châu Á cùng nhau giải quyết các vấn đề về sản xuất lương thực, nông nghiệp bền vững và công nghiệp hóa các lĩnh vực lương thực và nông nghiệp của khu vực châu Á; tăng cường quan hệ đối tác của các nước thành viên trong cộng đồng quốc tế.
Tổng cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc đã khởi xướng AFACI như một phần trong nỗ lực chia sẻ kiến thức và công nghệ nông nghiệp với các nước châu Á. Từ năm 2009 tới nay, Tổng cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc cùng Ban Thư ký AFACI đã triển khai 25 dự án tại các quốc gia thành viên, trong đó có 6 dự án đang thực hiện.
Nổi bật là dự án “Tăng cường hoạt động khuyến nông ở châu Á” (RATES), do 13 nước thành viên thực hiện, nhằm mục tiêu củng cố hệ thống khuyến nông và nâng cao năng lực khuyến nông của các nước thành viên nhằm hướng tới một ngành nông nghiệp cạnh tranh.
Theo đó, dự án này có 3 hợp phần chính: Tạo ra và phân tích cơ sở về hệ thống nông nghiệp thông qua việc tiến hành khảo sát, thảo luận nhóm tập trung và tham vấn các bên liên quan; Nâng cao năng lực của cán bộ khuyến nông và nông dân thông qua đào tạo và hội thảo; Tăng cường các chiến lược và hoạt động khuyến nông thông qua việc triển khai các phương pháp tiếp cận hiệu quả về phổ biến và trình diễn công nghệ trên các mặt hàng nông sản.
Dự án RATES tại Việt Nam do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thực hiện trong thời gian từ năm 2023-2025, nhằm mục tiêu hướng tới một hệ thống khuyến nông hiệu quả hơn và tăng cường áp dụng các công nghệ trong nông nghiệp.
Dự án thứ 2 cũng được triển khai tại Việt Nam có tên gọi “Giống lúa chống chịu điều kiện bất lợi, năng suất cao phù hợp với các quốc gia thành viên” (SHR+), do Viện Lúa ĐBSCL thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2024, cũng do AFACI tài trợ. Theo đó, dự án này tận dụng các giống lúa có khả năng chịu đựng nhiều loại điều kiện bất lợi (stress) sinh học và phi sinh học do Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) phát triển, với mục đích phát triển, thử nghiệm và phổ biến các giống lúa ưu việt tại 11 nước thành viên ở Nam Á và Đông Nam Á.
Dự án này có 3 hợp phần chính: Thiết lập mạng lưới thử nghiệm với các quy trình vận hành tiêu chuẩn trên khắp các nước đã xác định; Đánh giá và xác định các dòng giống ưu việt có các đặc điểm mong muốn như khả năng chịu hạn, chịu lũ và chịu mặn, tiềm năng năng suất cao; Xây dựng năng lực cho các nước thành viên tham gia.
Cùng với việc tăng cường năng lực về công nghệ lai tạo lúa hiện đại, các nước thành viên tham gia dự án đã xác định được kỳ vọng sẽ cải thiện được năng suất lúa, từ đó góp phần tăng thu nhập cho người nông dân và đảm bảo an ninh lương thực.
Hàng năm, Ban thư ký AFACI và các cơ quan chuyên môn thuộc Tổng cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc tổ chức đánh giá kết quả thực hiện dự án tại một số quốc gia thành viên. Năm 2024, Việt Nam được lựa chọn để đánh giá kết quả thực hiện dự án RATES và SHR+, đồng thời thảo luận kế hoạch nhằm nhân rộng hiệu quả các dự án này trong tương lai.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, kể từ khi thành lập vào năm 2009, AFACI đã triển khai nhiều dự án hợp tác liên chính phủ và đa phương chất lượng cao với mục tiêu cải thiện sản xuất lương thực và thúc đẩy nông nghiệp bền vững tại các nước châu Á thông qua chuyển giao và chia sẻ kiến thức và công nghệ. “Tôi rất vui mừng khi biết về những đóng góp to lớn của AFACI tại 15 quốc gia châu Á, bao gồm cả Việt Nam, đặc biệt là nhờ sự hợp tác chặt chẽ mà chúng ta đã phát triển thông qua các dự án, đào tạo quốc tế, hội thảo và hội nghị chuyên đề”, ông Sơn nói.
Tiến sĩ Myoung Rae Cho, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp quốc tế Hàn Quốc (KOPIA) nhìn nhận, từ những nỗ lực ban đầu, AFACI giờ triển khai rộng khắp tại nhiều quốc gia châu Á, giúp lan tỏa và phát triển quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa các nước.
“Kết quả của dự án đã vượt quá mong đợi ban đầu, đồng thời mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nền nông nghiệp châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, việc nghiên cứu và phát triển các giống lúa chịu hạn, chịu ngập và chịu mặn có thời gian sinh trưởng ngắn là vô cùng cấp thiết. Những nghiên cứu này không chỉ giúp cải thiện năng suất và chất lượng lúa mà còn phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội của từng quốc gia châu Á”, ông Myoung Rae Cho bày tỏ.
Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp quốc tế Hàn Quốc cho rằng, lĩnh vực khuyến nông cũng là một thách thức lớn hiện nay. Do đó, các hoạt động khuyến nông sẽ hỗ trợ nông dân tiếp cận những tiến bộ công nghệ mới và cải thiện phương pháp canh tác và quản lý sản xuất. Các chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật do AFACI tài trợ đã góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng của nông dân, từ đó tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho những người tham gia.
“Qua cuộc họp lần này, chúng ta sẽ có cơ hội tuyệt vời để trao đổi và học hỏi kinh nghiệm từ các nhà khoa học lúa gạo chủ chốt trên khắp châu Á, đặc biệt là từ các quốc gia sản xuất lúa gạo nổi tiếng để khắc phục những khó khăn đang xảy ra trong sản xuất lúa gạo. Với sự hợp tác và nỗ lực của tất cả các bên, chúng ta sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp và tiếp tục thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững tại các quốc gia thành viên AFACI”, Tiến sĩ Myoung Rae Cho tin tưởng.
Đại diện đến từ Phillippines, TS. Sankalp Bhosale, Phó Trưởng phòng Đổi mới giống lúa (Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI) cho biết, hiện có hơn 40 mô hình tại 11 quốc gia đang thử nghiệm các giống lúa do IRRI chọn tạo. Việc thử nghiệm, khảo nghiệm trên diện giống những giống này giúp người dân có nhiều lựa chọn, cũng như tăng khả năng tạo ra những giống ưu việt, có khả năng chống chịu và đảm bảo năng suất.
“Các giống ngắn ngày, chịu được mặn và ngập úng đang được thử nghiệm tại Việt Nam, Campuchia và Sri Lanka. Trong khi các dòng giống lúa chịu ngập trong thời gian trung bình đến dài và/hoặc chịu mặn được phát triển và thử nghiệm tại Indonesia, Myanmar, Nepal, Lào và Bangladesh”, ông nói và cho biết thêm, trong giai đoạn tới, một số giống ưu việt có thể được xem xét đăng ký lưu hành tại các nước thử nghiệm.
Tại sự kiện này, Ban thư ký AFACI đã công bố bảng xếp hạng những dự án xuất sắc trong năm vừa qua. Trong đó, đại diện của Việt Nam được vinh danh là bà Nguyễn Thúy Kiều Tiên, Phó Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, chủ nhiệm dự án “Giống lúa chống chịu điều kiện bất lợi, năng suất cao phù hợp với các quốc gia thành viên” (SHR+).
Trao đổi với Dân Việt, bà Kiều Tiên cho biết, thông qua Dự án SHR+ với sự hỗ trợ tích cực từ các bạn bè quốc tế, Viện Lúa ĐBSCL đã nhận nguồn vật liệu là các giống lúa chống chịu hạn, ngập, mặn và các giống lúa hạt tròn Japonica, cũng như được AFACI hỗ trợ kinh phí để tổ chức khảo nghiệm, đánh giá.
“Những nguồn vật liệu giống lúa chống chịu ngập, mặn này rất đáng quý với vùng ĐBSCL, từ đó chúng ta có thể sử dụng trực tiếp hoặc đưa vào lai tạo nhằm tạo ra các giống lúa mới có hiệu quả cao hơn, phù hợp với ĐBSCL. Đối với giống lúa hạt tròn Japonica, nguồn vật liệu được hỗ trợ là ôn đới, nhưng khi đưa về ĐBSCL chúng tôi sẽ lai tạo để tìm ra giống Japonica nhiệt đới, có chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường ở vùng ĐBSCL, chúng tôi hy vọng sẽ sớm lai tạo ra những giống lúa chất lượng, phù hợp để đưa vào sản xuất rộng rãi”, bà Tiên bày tỏ.
Nguồn: https://danviet.vn/cac-nha-khoa-hoc-hang-dau-tu-15-quoc-gia-hien-ke-ve-giong-lua-chong-chiu-bien-doi-khi-hau-vn-20240828135312652.htm