Một nghiên cứu của Viện Quốc gia về Khoa học ứng dụng (INSA) vào ngày 24/8 cho thấy tại Sachsen, 32% số người được hỏi sẵn sàng bỏ phiếu cho AfD và chỉ 6% ủng hộ đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz.
Đứng thứ hai là Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) đối lập với 30% tỷ lệ ủng hộ, tiếp theo là đảng dân túy cánh tả Liên minh Sarah Wagenknecht (SSV) với 15%. Cũng theo cuộc thăm dò, Đảng Xanh trong liên minh cầm quyền ở Sachsen chỉ nhận được 5%.
Tại Thuringen, AfD cũng dẫn đầu với 30%, trong khi SPD chỉ nhận được 6% tỷ lệ ủng hộ và đảng Xanh có 3%. CDU và SSV cạnh tranh nhau gay gắt ở vị trí thứ hai với tỷ lệ khá sít sao 21% so với 20%. Chỉ ở Brandenburg, AfD mới cạnh tranh vị trí dẫn đầu với đảng SPD của Thủ tướng Olaf Scholz – 24% so với 20%. Trong khi đó, CDU dự đoán nhận được 19% số phiếu, SSV – 17%.
Bài toán khó đối với đảng cầm quyền ở miền đông nước Đức
Hiện nay, dân số ở khu vực miền tây nước Đức gấp hơn 5 lần so với miền đông – 68 triệu so với 12,5 triệu người. Tuy nhiên, chính các cuộc bầu cử khu vực ở các bang miền đông từ lâu đã trở thành một thử thách nghiêm trọng đối với các lực lượng cầm quyền.
Cử tri địa phương, theo truyền thống, thường chỉ trích đường lối của liên minh cầm quyền và ủng hộ cho phe đối lập, trong đó đặc biệt là đảng cực hữu AfD. Đảng cánh tả cũng phổ biến ở miền đông nước Đức, được xem là lực lượng chính trị kế thừa đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức, hay còn gọi là Đảng Cộng sản Đông Đức.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, rạn nứt chính trị nội bộ bắt đầu xuất hiện ở Đức – một số chính trị gia hàng đầu của nước này, do Sarah Wagenknecht đứng đầu, không ủng hộ đường lối cắt giảm quan hệ với Moscow của Berlin và lên án việc cung cấp vũ khí Đức cho Ukraine.
Kết quả là vào tháng 1/2024, Liên minh SSV xuất hiện. Tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6, hầu hết cử tri cánh tả đều bỏ phiếu cho SSV. Nếu trong cuộc bầu cử châu Âu năm 2019, các đảng cánh tả nhận được 5,5% thì năm nay – chỉ 2,7%, trong khi SSV đạt 6,2%.
Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tâm lý chống đối chính quyền của người dân ở miền đông nước Đức là do tình trạng bất bình đẳng tiếp tục diễn ra sâu sắc, và người dân ở đây tự cảm thấy mình là “công dân hạng hai”. Theo một nghiên cứu của Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis), vào năm 2023, người dân ở khu vực Đông Đức cũ kiếm được trung bình ít hơn 824 Euro mỗi tháng so với người ở khu vực Tây Đức cũ.
Trong khi đó, cư dân ở khu vực phía đông nước Đức trung bình phải trả tiền điện cao hơn 22% so với ở phía tây nước Đức – 5.042 euro mỗi năm so với 4.139 euro . Chính quyền giải thích điều này xuất phát từ những khoản chi phí lớn mà các công ty năng lượng phải đầu tư cho việc mở rộng mạng lưới điện và duy trì hoạt động của họ.
Nhà xã hội học người Đức Detlef Pollack lưu ý rằng gần 30% người dân ở miền đông nước Đức có thái độ hoài nghi đối với các đảng cầm quyền và cuộc bầu cử sắp tới sẽ một lần nữa khẳng định điều này. “Sự bất mãn bắt đầu hình thành nên đặc trưng của người dân vùng đất phía Đông. Những kỳ vọng của họ về sự bình đẳng hóa các điều kiện kinh tế đã không thành hiện thực và họ vẫn coi mình là công dân hạng hai”, chuyên gia Detlef Pollack nhận xét.
Vai trò của cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Theo truyền thống, các vấn đề về chính sách đối ngoại không đóng vai trò then chốt trong các cuộc bầu cử ở Đức, đặc biệt là ở cấp địa phương (các chính quyền địa phương không đưa ra quyết định liên quan đến chính sách quốc phòng). Tuy nhiên, lần này cuộc xung đột Nga – Ukraine trở thành chủ đề chính của chiến dịch bầu cử ở miền đông nước Đức.
Theo một nghiên cứu của Viện Dân số Allensbach, 76% số người được hỏi ở các bang phía đông lo ngại rằng Đức có thể bị lôi kéo vào một cuộc xung đột quân sự (chỉ 44% ở các bang phía tây nghĩ như vậy). Trong khi trên toàn quốc, 75% số người được hỏi coi Nga là mối đe dọa thì ở miền đông nước Đức con số này là 53%. Đồng thời, 40% số người được hỏi ở các bang miền đông nước Đức nhận thấy nguy cơ từ Mỹ, trong khi 24% chia sẻ quan điểm này trên toàn quốc.
Những khác biệt về quan điểm chính trị này được cả AfD và SSV tích cực khai thác. Bất chấp thực tế là về mặt ý thức hệ, các đảng này ở hai cực đối lập nhau, nhưng họ vẫn đồng loạt chỉ trích chính quyền trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine và ủng hộ các cuộc đàm phán với Moscow.
Như Đài phát thanh nhà nước Đức ZDF lưu ý, AfD và SSV đang “biến những cuộc bầu cử địa phương thành sự lựa chọn giữa chiến tranh và hòa bình”. Người đại diện của đảng AfD ở Thuringen, Bjorn Hecke, tin rằng “các cuộc bầu cử ở phía đông sẽ quyết định liệu đất nước này có từ bỏ con đường chiến tranh trong trung hạn hay tiếp tục con đường leo thang”. “Hòa bình” cũng là từ khóa trong các chương trình vận động tranh cử của SSV ở Thuringen, Sachsen và Brandenburg.
Còn theo Tagesspiegel, bên cạnh AfD và SSV, đại diện các đảng CDU và SPD cũng bắt đầu thảo luận về hòa bình ở Ukraine trong chiến dịch bầu cử. Mục tiêu hàng đầu của các đảng này là kéo cử tri ra khỏi đối thủ hoặc thậm chí phát đi tín hiệu với Wagenknecht rằng họ sẵn sàng hợp tác để ngăn chặn chiến thắng của AfD. Mới đây, Thủ hiến bang Sachsen của Đức, ông Michael Kretschmer (thành viên của CDU) đã đưa ra lời kêu gọi Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán.
Đầu tháng 8, Thủ hiến bang Brandenburg, ông Dietmar Woidke (chính trị gia đảng SPD) nhấn mạnh, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã diễn ra gần 3 năm và đã đến lúc các bên phải chấm dứt các hành động khiêu khích làm leo thang căng thẳng.
Theo ông Dietmar Woidke, Đức có thể đóng vai trò hòa giải trong cuộc xung đột này. Còn Thủ hiến bang Thuringen Bodo Ramelov cho rằng, châu Âu cần một hệ thống an ninh mới trong đó có Nga; đồng thời, kêu gọi tất cả các quốc gia phải “ký kết một hiệp ước không xâm lược và thành lập một liên minh phòng thủ tập trung vào giải quyết xung đột tại châu Âu”.
Cuộc bầu cử sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chính trị Đức?
Xếp hạng của các lực lượng cầm quyền ở cấp liên bang tiếp tục giảm; trong khi đó, cuộc bầu cử quốc hội tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9 năm 2025. Theo nghiên cứu của đài truyền hình ZDF ngày 15/8, 62% người Đức đánh giá tiêu cực cách làm việc của chính phủ, trong khi 33% đánh giá tích cực. Các hoạt động của Thủ tướng Olaf Scholz được 58% số người được hỏi đánh giá là không thành công.
Tuy nhiên, theo tờ TAZ của Đức, tỷ lệ thiếu tín nhiệm của SPD, đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh ở phía đông đất nước khó có thể dẫn đến các cuộc bầu cử quốc hội sớm, mặc dù ngày càng nhiều người dân Đức bày tỏ nghi ngờ về năng lực quản lý của chính phủ liên minh cầm quyền.
Ngược lại, các nhà báo của Der Spiegel tin tưởng rằng, nếu SPD không giành được ghế trong quốc hội Thuringen và Sachsen, thì hoạt động của Thủ tướng Olaf Scholz sẽ khó tránh khỏi bị tác động, ảnh hưởng. Ấn phẩm này kể lại rằng sau khi SPD thua trong cuộc bầu cử khu vực năm 2005 ở North Rhine-Westphalia, Thủ tướng lúc đó là Gerhard Schröder đã kêu gọi Hạ viện thông qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông để kêu gọi bầu cử liên bang sớm. Kết quả là vào mùa thu cùng năm, chức vụ người đứng đầu chính phủ được chuyển cho bà Angela Merkel, đại diện cho CDU.
Hà Anh
Nguồn: https://www.congluan.vn/dang-cuc-huu-len-ngoi-o-mien-dong-nuoc-duc-lien-minh-cam-quyen-gap-kho-post309609.html