Con số này được đưa tại Hội thảo khoa học “Khoa Đào tạo Luật sư – 20 năm xây dựng và phát triển” do Học viện Tư pháp tổ chức chiều 28.8.
Ngày 22.9.2004, Giám đốc Học viện Tư pháp ban hành Quyết định số 295/QĐ – HVTP về việc thành lập Khoa Đào tạo Luật sư với mục tiêu tạo dựng nền móng vững chắc cho sự phát triển hệ thống đào tạo nghề luật chuyên nghiệp ở Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế; từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển về đào tạo nghề luật ở nước ta so với những quốc gia có nền tư pháp phát triển mạnh và lâu đời trên thế giới.
20 năm qua, Khoa Đào tạo Luật sư có vị trí, vai trò và địa vị pháp lý quan trọng trong cơ cấu tổ chức bộ máy và trong hệ thống quản trị hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của Học viện Tư pháp.
Với Chương trình đào tạo nghề luật sư 12 tháng theo hệ thống tín chỉ và Chương trình đào tạo nghề luật sư 12 tháng theo hệ thống tín chỉ áp dụng cho học viên các lớp đào tạo luật sư chất lượng cao, Khoa Đào tạo Luật sư hiện đang duy trì và cung cấp cho người học khối lượng học liệu phong phú với 31 giáo trình, tài liệu, 117 hồ sơ tình huống, 55 tình huống thực hành…
Nguyên Phó Giám đốc Học viện Tư pháp, TS Lê Mai Anh nhận định đào tạo nghề luật sư tại Học viện Tư pháp đang là lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thu hút sự tham gia của những người có nhu cầu được đào tạo và hành nghề luật sư ở Việt Nam. Những thành tựu của Khoa Đào tạo Luật sư trong sự nghiệp đào tạo nghề luật sư không chỉ có giá trị cho sự phát triển của Học viện Tư pháp mà còn đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành Tư pháp và cho đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế.
“Mô hình đào tạo nghề luật sư dựa trên triết lý giáo dục Thực dạy – Thực học – Thực nghề, đa dạng hóa về cách thức tổ chức và thực hiện (trự tiếp, trực tuyến, trực tiếp kết hợp với trực tuyến chính là bước ngoặt có tính lịch sử trong hoàn thiện và phát triển Chương trình đào tạo nghề luật sư giai đoạn hiện tại và tầm nhìn đến năm 2030 của Khoa Đào tạo Luật sư”, TS Lê Mai Anh nhận định.
Trên thực tế, bối cảnh hiện nay cũng đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác đào tạo nghề luật sư. Phó Trưởng Khoa Đào tạo Luật sư, TS Nguyễn Thị Vân Anh đặt vấn đề cho giai đoạn phát triển mới của Khoa Đào tạo Luật sư: “Chương trình đào tạo luật sư cần không ngừng cập nhật, đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo thích ứng với thực tiễn hành nghề trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, quá trình cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế nghề luật sư”.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của Khoa Đào tạo Luật sư cần tiếp tục phát triển theo hướng tăng cường kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thực tế hành nghề; tăng cường khả năng sư phạm, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo… Đồng thời, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo luật sư với các cơ sở đào tạo tiên tiến trên thế giới, nhằm rút ngắn khoảng cách trong đào tạo luật sư tại Việt Nam và thế giới.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp, PGS.TS Nguyễn Minh Hằng cho biết, sau 20 năm Học viện Tư pháp thực hiện chức năng, nhiệm vụ đào tạo nghề luật sư, đặc biệt, theo Quyết định 1155/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Đề án Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp, giai đoạn 2025 – 2030 được xác định là giai đoạn mô hình đào tạo nghề luật sư cần được phát triển lên một tầm mới.
“Đòn bẩy” đưa mô hình đào tạo nghề luật sư của Học viện Tư pháp lên một tầm mới đó, theo PGS.TS Nguyễn Minh Hằng, đến từ ba định hướng đổi mới mô hình đào tạo nghề luật sư hiện hành, nâng cao chất lượng đào tạo nghề luật sư trong giai đoạn lịch sử mới:
Thứ nhất, tăng cường về chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo;
Thứ hai, xây dựng môi trường đào tạo thân thiện với người học, với thị trường lao động, dịch vụ, hướng đến xã hội, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0;
Thứ ba, tăng cường năng lực cạnh tranh của đội ngũ luật sư và tổ chức hành nghề luật sư tại thị trường dịch vụ pháp lý trong nước, khu vực và quốc tế, tích cực đóng góp cho công cuộc cải cách tư pháp và phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
“Để bảo đảm tính bền vững của sự phát triển, quá trình đổi mới này phải được thực hiện trên cơ sở xác định rõ quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của các chương trình đào tạo nghề luật sư là cơ sở thực hiện chiến lược đào tạo nghề luật sư mang tính chất lâu dài và đột phá”, PGS.TS Nguyễn Minh Hằng khẳng định.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/giao-duc–y-te1/dao-tao-nghe-luat-su-can-duoc-phat-trien-len-mot-tam-moi-i386166/