Phát triển thương hiệu cho nông sản địa phương
Thành phố Bảo Lộc là vùng đất có điều kiện tự nhiên thích hợp để phát triển nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn trái như như trà, cà phê, dâu tằm, mít, sầu riêng, măng cụt, bơ… Đây là những cây trồng có giá trị kinh tế cao và mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử của vùng đất B’Lao nổi tiếng.
Để nâng cao giá trị nông sản và thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng nông thôn bền vững, thành phố Bảo Lộc đã thực hiện chương trình OCOP một cách khoa học, bài bản.
Đến nay, thành phố đã triển khai chương trình OCOP đến UBND 11 phường, xã. Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Bảo Lộc giai đoạn 2023 – 2025 đã tổ chức đánh giá 15 sản phẩm của 9 đơn vị theo Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Trong đó, 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 13 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Các sản phẩm OCOP là sản phẩm nông thôn tiêu biểu, là nông sản đặc trưng thế mạnh của địa phương, Mỗi sản phẩm được coi như một đại sứ du lịch. Vì vậy, thành phố Bảo Lộc cũng rất chú trọng việc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm OCOP.
Bà Nguyễn Thị Huệ – chủ Danh trà Làn Hương Văn Hương (thành phố Bảo Lộc) cho biết: “Việc các sản phẩm được công nhận OCOP đã mở ra rất nhiều lợi thế để phát triển. Ví dụ như tăng độ uy tín cho sản phẩm, nhiều người biết đến sản phẩm hơn… Từ đó, việc buôn bán sản phẩm cũng dễ dàng hơn”.
“Thương hiệu trà và cà phê của chúng tôi có từ hàng chục năm về trước. Nhưng khi được công nhận sản phẩm đạt chất lượng OCOP đã tạo lòng tin nhiều hơn đối với khách hàng, thương hiệu sản phẩm cũng uy tin hơn rất nhiều” – bà Huệ nói thêm.
Xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP
Theo UBND thành phố Bảo Lộc, các sản phẩm OCOP mà thành phố lựa chọn là những sản phẩm có chất lượng, giá trị sử dụng cao và đặc biệt là giải quyết nhiều việc làm cho nhiều người lao động địa phương.
Mặt khác, các sản phẩm này cũng mở ra tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố nhanh, bền vững.
Tuy nhiên, chương trình OCOP là chương trình mới nên sự phối hợp, thực hiện đồng bộ giữa các ban ngành, đoàn thể và các chủ thể sản xuất còn chưa cao.
Đến nay, việc triển khai chương trình còn gặp một số khó khăn. Đơn cử, các chủ thể chưa xác định được lợi ích trong việc tham gia chương trình và chưa thật sự quyết tâm tham gia chương trình.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về chương trình OCOP chưa được đẩy mạnh do kiến thức trình độ cán bộ còn mới chưa thuyết phục được; bộ hồ sơ cũng nhiều nên các chủ thể còn e ngại…
Để chương trình OCOP phát triển hơn nữa, lãnh đạo Phòng Kinh tế tahnfh phố Bảo Lộc đã kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện mời các chuyên gia về chương trình OCOP để hỗ trợ địa phương trong các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm…
Ông Nguyễn Văn Nhâm – Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Bảo Lộc chia sẻ, Mục tiêu chương trình là hỗ trợ, xây dựng, phát triển, đánh giá, phân hạng và chứng nhận ít nhất 10 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP mỗi năm.
“Bên cạnh đó, địa phương sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP” – ông Nhâm cho biết thêm.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/bao-loc-mo-duong-cho-san-pham-ocop-phat-trien-1385962.ldo