Những âm thanh trong trẻo của tiếng phách, tiếng đàn đáy và giọng ca ngọt ngào, trầm bổng của người ca nương đã từng vang vọng khắp các làng quê Bắc Bộ, mang theo hồn cốt của nghệ thuật ca trù – một loại hình âm nhạc dân gian đặc sắc của Việt Nam. Ca trù không chỉ là một loại hình giải trí mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt từ bao đời nay. Dù đã trải qua những thăng trầm, những thời khắc tưởng chừng như bị lãng quên, ca trù vẫn giữ vững vị trí của mình như một biểu tượng nghệ thuật với sức sống đầy mãnh liệt.
Thịnh hành từ thế kỷ 15, ca trù đã từng là một loại hình âm nhạc quý tộc, được biểu diễn trong các cung đình, phủ chúa, nơi mà những bậc vương hầu, quan lại thưởng thức. Ca trù đòi hỏi người biểu diễn phải có kỹ năng điêu luyện và phải có tâm hồn nhạy cảm, sự tinh tế trong từng giai điệu, từng nhịp phách. Mỗi buổi hát ca trù là một không gian nghệ thuật trọn vẹn, nơi mà người nghe được thưởng thức âm nhạc và hòa mình vào một thế giới đầy cảm xúc, suy tư.
Phách vang từng nhịp xa phương,
Lời ca tha thiết, nhớ thương nặng lòng.
Du dương hoài lại du dương,
Đọng trong tim mãi khói sương một chiều.
Những câu thơ ấy như gói gọn được cái hồn của ca trù – thanh âm vọng lại từ quá khứ, mang theo bao nhiêu niềm nhớ về một thời kỳ vàng son của nghệ thuật dân gian. Sự mềm mại trong giai điệu, sự sâu lắng trong từng lời ca, cùng với cái nhịp phách nhẹ nhàng mà dứt khoát, đã làm nên một nét độc đáo không thể lẫn vào đâu được của ca trù.
Trong suốt thời gian dài, ca trù đã từng bước đi vào đời sống của tầng lớp nhân dân, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong các dịp lễ hội, đình đám. Những bài ca trù với lời thơ phong phú, sâu sắc đã phản ánh đời sống xã hội, tâm tư, tình cảm của con người, mang đến những bài học đạo lý, những triết lý nhân sinh sâu sắc. Ca trù vừa là âm nhạc, vừa là thơ ca, là triết học, là nơi hội tụ của những giá trị văn hóa, tinh thần cao quý của dân gian xưa.
Cùng với sự biến đổi của xã hội, ca trù đã dần dần bị mai một, rơi vào quên lãng trong nhiều thập kỷ. Những nghệ nhân ca trù, những người đã gìn giữ và truyền lại loại hình nghệ thuật này, dần dần vắng bóng. Những buổi hát ca trù thưa thớt dần, chỉ còn lại trong ký ức của những người già, những người đã từng sống và yêu mến loại hình nghệ thuật này. Thế nhưng, ánh hào quang xưa của ca trù không hoàn toàn tắt lụi. Những nỗ lực khôi phục và bảo tồn ca trù đã và đang được thực hiện một cách mạnh mẽ, nhằm đưa ca trù trở lại với đời sống văn hóa hiện đại.
Những năm gần đây, ca trù đã bắt đầu tìm lại được vị trí của mình trong lòng công chúng. Các câu lạc bộ ca trù, các lớp học truyền dạy ca trù được mở ra ở nhiều nơi, thu hút sự tham gia của đông đảo người yêu nghệ thuật. Những buổi biểu diễn ca trù không chỉ dừng lại ở các lễ hội truyền thống mà còn xuất hiện trên sân khấu lớn, trong các chương trình nghệ thuật quốc gia và quốc tế. Những nghệ nhân ca trù, dù tuổi đã cao, vẫn miệt mài truyền dạy cho lớp trẻ, với hy vọng giữ gìn và phát huy di sản nghệ thuật này cho các thế hệ tương lai. Một câu nói đầy cảm xúc của NSND Kim Đức, người được sinh ra và lớn lên trong cái nôi nghệ thuật ca trù, vẫn còn ấn tượng đến bây giờ : “Tôi yêu ca trù lắm, nếu không yêu thì làm sao có thể duy trì đến bây giờ! Cuộc sống của tôi không quá dư dả, về hưu cũng không kiếm ra tiền nhưng tôi vẫn dạy ca trù miễn phí. Tôi nghĩ, mình phải giữ nghề của ông cha mình, giữ hồn cốt của ca trù cho con cháu sau này”
Ca trù là một di sản văn hóa, thể hiện một phần của tâm hồn, của lịch sử văn hóa Việt Nam. Việc khôi phục ca trù là việc làm sống lại một nét đẹp văn hoá đã từng huy hoàng, và còn là cách để giữ gìn và truyền lại những giá trị truyền thống cho thế hệ mai sau. Sự trở lại của ca trù, với tất cả vẻ đẹp và tinh túy của nó, là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa dân tộc, thể hiện chủ trương đầu tư và phát triển đúng đắn của Đảng và nhà nước, là tiếng nói của quá khứ vang vọng trong hiện tại, và là niềm tự hào của người Việt Nam trên chặng đường gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Như một dòng chảy không ngừng nghỉ, ca trù vẫn tiếp tục cuộc hành trình của mình, từ những sân khấu xưa cũ đến những không gian nghệ thuật hiện đại, mang theo trong mình những giá trị văn hóa bất biến, để rồi tiếp tục tỏa sáng như một ngôi sao trong bầu trời nghệ thuật của dân tộc.
Hoàng Anh