Khó giải bài toán thiếu trường lớp
Như Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh, tuần qua, hàng trăm phụ huynh đã “vây” Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) để xin học cho con và chất vấn ban lãnh đạo nhà trường, Phòng GDĐT quận Nam Từ Liêm về việc trường chưa tuyển sinh đã hết chỉ tiêu.
Thậm chí, nhiều phụ huynh đã trực xuyên đêm trong ngày 21/8 để chờ đợi câu trả lời rõ ràng từ phía nhà trường và Phòng GDĐT quận. Phụ huynh bày tỏ bức xúc vì họ không nắm được thông tin về quá trình chia tách Trường Tiểu học Tây Mỗ cũng như việc thành lập, tuyển sinh của Trường Tiểu học Tây Mỗ 3. Trong bối cảnh năm học mới cận kề, con em họ vẫn chưa biết sẽ học ở đâu?
Tới hôm qua (27/8), quận Nam Từ Liêm mới có thông báo “chốt” phương án tiếp nhận học sinh vào 4 trường tiểu học công lập trên địa bàn, gồm: Tây Mỗ, Tây Mỗ 3, Đại Mỗ 3 và Lý Nam Đế.
Trong đó, về Trường Tiểu học Tây Mỗ 3, Phòng GDĐT quận Nam Từ Liêm thông tin, sau khi tách trường thì Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 đã có 30 lớp với 1.111 học sinh (21 học sinh xin chuyển đi, còn lại 1.090 học sinh), nhà trường hiện tại không tiếp nhận thêm học sinh do cơ sở vật chất chưa đáp ứng điều kiện.
Vụ việc trên xảy ra sau đúng một tuần ngành GDĐT Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2023-2024. Tại hội nghị này, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương đã thông tin rằng, chuẩn bị cho năm học 2024-2025, các nhà trường đã tổ chức an toàn, hiệu quả công tác tuyển sinh, khắc phục được hạn chế, tồn tại trong công tác thi, tuyển sinh của những năm trước như không còn hiện tượng xếp hàng nộp hồ sơ tuyển sinh hay bốc thăm để vào trường công lập…
Vụ việc trên cho thấy, tình trạng quá tải trường lớp tại Thủ đô vẫn chưa có khả năng được giải quyết trong tương lai gần.
Lâu nay, hiện tượng chen lấn, xô đẩy để xin học con vẫn luôn tái diễn trong các mùa tuyển sinh. Trước đó, năm 2023, hàng trăm phụ huynh cũng phải xếp hàng xuyên đêm để đăng ký cho con vào lớp 1 Trường Tiểu học Vạn Bảo (quận Hà Đông). Vào năm 2022, vụ việc hàng trăm phụ huynh phải bốc thăm để giành suất vào Trường Mầm non Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) trở thành vấn đề nóng nhận được quan tâm lớn của dư luận.
Ở bậc THPT, trong mùa tuyển sinh năm 2023 cũng ghi nhận hiện tượng phụ huynh nháo nhào tìm trường tư, xếp hàng xuyên đêm, vạ vật, chen lấn, tranh cãi nhau trước cổng một số trường để nộp hồ sơ nhập học cho con.
Tăng chất lượng giáo dục giữa các trường học
Hà Nội đang là địa phương có quy mô giáo dục rất lớn với 2.913 trường mầm non, phổ thông với gần 2,3 triệu học sinh, gần 130.000 giáo viên. Theo Sở GDĐT Hà Nội, với mạng lưới trường lớp hiện nay, Hà Nội bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh. Việc quá tải trường học chỉ xảy ra cục bộ ở một số địa bàn tập trung đông dân cư.
Hiện nay, sĩ số trung bình cấp tiểu học của toàn thành phố chỉ khoảng 37,5 học sinh/lớp. Việc giảm sĩ số học sinh/lớp luôn là mục tiêu, giải pháp của ngành giáo dục Hà Nội để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương, năm học 2024-2025, quy mô giáo dục thành phố tiếp tục tăng, toàn thành phố có thêm hơn 30 trường học. Ngành giáo dục Thủ đô xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong năm học mới là rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII đánh giá, trong giai đoạn qua, TP Hà Nội luôn quan tâm dành nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, Thủ đô có hai nhược điểm là: dân số cơ học tăng nhanh mà không thể kìm hãm được và sự chênh lệch chất lượng giữa các trường nội thành và ngoại thành. Hai nhược điểm này là một trong số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải trường lớp của Thủ đô.
PGS.TS Bùi Thị An cho rằng không thể giải quyết tình trạng này trong ngày một ngày hai. Trước mắt, thành phố cần có chủ trương để làm sao tăng chất lượng ở tất cả các trường học từ cơ sở vật chất tới đội ngũ giáo viên. Có như vậy, người dân mới không đổ dồn xin học cho con vào một số cơ sở giáo dục mà phụ huynh cho rằng trường đó là chất lượng cao.
Về vụ việc Trường Tiểu học Tây Mỗ 3, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, việc nhà trường bảo đảm sĩ số lớp theo quy định là cần thiết, nhưng trong quá trình tuyển sinh, nhà trường phải rõ ràng, minh bạch.
“Nhu cầu của người dân là chính đáng. Họ cũng có quyền được yêu cầu nhà trường, chính quyền địa phương phải công khai, minh bạch trong toàn bộ quá trình tuyển sinh. Chỉ như vậy, người dân mới nâng niềm tin vào giáo dục và chia sẻ với áp lực quá tải trường lớp của Thủ đô”, PGS.TS Bùi Thị An nêu quan điểm.
Nguồn: https://daidoanket.vn/tu-vu-phu-huynh-vay-truong-tieu-hoc-tay-mo-3-can-minh-bach-trong-tuyen-sinh-10288900.html