Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm là bước đột phá của Đồng Nai trong giai đoạn 2020 – 2025.
Đó là khẳng định của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch số 110 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Hội nghị do Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức ngày 27/8.
Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ được xem là hướng phát triển hiệu quả và đang được nhân rộng trên địa bàn thành phố Long Khánh cũng như nhiều địa phương trong tỉnh.
Sau 3 năm thực hiện Kế hoạch số 110 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, có 4/11 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đó là số mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC và mô hình đạt chứng nhận hữu cơ.
Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của Đồng Nai giai đoạn 2021 – 2023 đạt mức tăng trưởng bình quân 3,83%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước và đứng đầu các tỉnh khu vực Đông Nam bộ. Đặc biệt, xuất khẩu trái cây tươi đạt được mốc ấn tượng, tiêu biểu là sầu riêng, chuối tươi xuất sang thị trường Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục với giá trị xuất khẩu ước đạt 4.800 tỷ đồng (năm 2023). Thị trường tiêu thụ cũng dần được mở rộng.
Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 160 triệu đồng/ha/năm (tăng gấp 1,3 lần so năm 2020). Bên cạnh đó, tốc độ tăng giá trị công nghiệp chế biến thực phẩm của Đồng Nai luôn duy trì ở mức trên 5%/năm. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 8 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, có 419 mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, vượt mục tiêu đến năm 2025. Toàn tỉnh có hơn 885ha sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ (đạt gần 0,5% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp). Đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành được 15 vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với quy mô 1.555ha, gấp 5 lần so với mục tiêu đến năm 2025, trong đó có 9 mô hình đạt chứng nhận hữu cơ với diện tích gần 28ha.
Ông Trần Lâm Sinh – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết: “Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung nguồn lực triển khai phương án phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển hạ tầng thuỷ lợi. Tỉnh kêu gọi đầu tư hệ thống kho lưu trữ, sơ chế, đóng gói; các công trình phục vụ sản xuất gắn với các vùng sản xuất, nhất là các ngành hàng có giá trị kinh tế và lợi thế canh tranh cao để hướng đến thị trường xuất khẩu”.
Theo ông Sinh, tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư vào các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC theo quy hoạch; bố trí vốn đầu tư công để đầu tư kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, vùng sản xuất hữu cơ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Thanh Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai khẳng định: Phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm là một trong 4 nhiệm vụ đột phá mà Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định.
Tuy nhiên theo ông Sơn, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những hạn chế, như tỷ lệ HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả còn thấp; việc tiếp cận chính sách ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng của doanh nghiệp, người dân còn hạn chế, chưa tạo động lực cho phát triển; hạ tầng phục vụ sơ chế, chế biến, bảo quản, đóng gói nông sản đầu tư thiếu đồng bộ, chưa bắt kịp nhu cầu phát triển; Đề án Israel triển khai vào thực tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng và nhân rộng mô hình nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp CNC. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nông sản, xử lý các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng và tạo cơ hội cho các sản phẩm an toàn, sản phẩm hữu cơ truy xuất được nguồn gốc đến với người tiêu dùng.
Đặc biệt, cần rà soát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện, đề xuất điều chỉnh nội dung phù hợp với yêu cầu và thực tiễn. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và ưu tiên bố trí chỉ tiêu biên chế cán bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Sau 3 năm thực hiện Kế hoạch số 110 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nông nghiệp CNC ngày càng được ứng dụng rộng rãi, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản xuất nông nghiệp tốt ngày càng phát triển với tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực ứng dụng CNC đạt gần 46,3%, giá trị ước đạt trên 34,7 ngàn tỷ đồng, đạt gần 92,6% mục tiêu đến năm 2025, cao hơn so với kế hoạch đề ra. Công nghiệp chế biến nông sản tiếp tục phát triển và có nhiều chuyển biến tích cực, đã góp phần tạo việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/dong-nai-dot-pha-ve-nong-nghiep-cong-nghe-cao-va-nong-nghiep-huu-co-d397780.html