Theo ghi nhận, thị trường năm nay khởi động muộn hơn những năm trước. Nếu như năm 2023, thị trường khởi động từ cuối tháng 6 Âm lịch thì năm nay, dù đã qua Rằm tháng 7 Âm nhưng mới chỉ lác đác vài quầy bán bánh.
Thương hiệu truyền thống “chào sân” sớm, giá tăng nhẹ
Theo khảo sát của phóng viên Báo Công Thương, tại các tuyến phố lớn như: Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy), Bà Triệu, Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng), Thụy Khuê (Tây Hồ), Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình (Hà Đông),… các quầy bánh trung thu xuất hiện ngày một nhiều hơn. Các thương hiệu truyền thống như: Kinh Đô, Hữu Nghị, Hải Hà, Bánh kẹo Hà Nội,… là những nhãn hàng mở quầy bánh sớm nhất mùa Trung thu năm nay.
Dù đã qua Rằm tháng 7 nhưng các quầy bánh trung thu vẫn ‘thưa thớt’ |
Một nhân viên bán hàng tại quầy bánh trung thu Kinh Đô trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy) cho biết: “Dù tận sau Rằm tháng 7 Kinh Đô mới bắt đầu dựng quầy mở bán nhưng so với mặt bằng chung thì Kinh Đô vẫn là một trong những thương hiệu mở bán sớm nhất”.
Ngoài ra, các thương hiệu bánh cổ truyền như: Bảo Phương, Bình Chung, Đông Phương,… cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng và mở bán từ rất sớm. Từ đầu tháng 7 Âm lịch, người dân đã đứng xếp hàng dài tại các cửa hàng này đợi mua những chiếc bánh “xưa” để đón trung thu sớm.
Anh Trần Văn Trí (Đống Đa, Hà Nội) đã xếp hàng khoảng 30 phút để đợi mua được hộp bánh trung thu Bảo Phương, chia sẻ: “Gia đình tôi đã ăn bánh của Bảo Phương từ đời ông bà tôi, dù giờ đây có nhiều loại bánh mới, hottrend nhưng chúng tôi ăn không thấy ngon bằng bánh cổ truyền”.
Tại các cửa hàng tạp hóa bán lẻ, các thương hiệu bánh truyền thống cũng thu hút khách hơn. Cô Nguyễn Lan – chủ tiệm tạp hóa trên phố Phùng Chí Kiên (Cầu Giấy) nhận định, bánh trung thu truyền thống mới giữ được “hương vị” Tết Trung thu cổ truyền của dân tộc.
“Tôi bắt đầu nhập bánh và mở bán từ trước Rằm tháng 7 để phục vụ những khách hàng mua về cúng Rằm. Tôi nhập cả bánh truyền thống của Kinh Đô, Hữu Nghị và một số hãng bánh hiện đại và bánh handmade các hương vị hottrend của giới trẻ như lava trứng chảy, tiramisu,…. Nhưng khách hàng chủ yếu chọn mua các dòng bánh với các hương vị truyền thống, các loại bánh hiện đại chỉ mua 1-2 chiếc về ăn thử”, cô Lan cho biết.
Năm nay, các thương hiệu cho ra nhiều dòng bánh mới lạ với hương vị và mẫu mã đặc sắc, bởi vậy, giá bánh cũng tăng nhẹ.
Bánh trung thu Kinh Đô có giá thành dao động từ 58.000-175.000 đồng/cái tùy hương vị và kích cỡ bánh. Các hộp set 3 đến 8 bánh có giá từ 285.000-790.000 đồng/hộp tùy hương vị và kiêu dáng hộp. Ngoài ra, thương hiệu cũng cho ra mắt một số set quà cao cấp, có kèm trà thượng hạng, giá dao động từ 1-5 triệu đồng/set.
Bánh trung thu Hữu Nghị có giá “mềm” hơn, thương hiệu năm nay chào hàng với giá thành dao động từ 58.000-115.000 đồng/bánh tùy cỡ bánh và hương vị. Đặc biệt, năm nay, công ty cho ra mắt dòng sản phẩm bánh Momiji với các hương vị hot-trend, phù hợp với sở thích của giới trẻ, với giá từ 70.000-119.000 đồng/cái 120g.
Sức mua “đìu hiu”
Thị trường năm nay được đánh giá có phần ảm đạm dù đã chuyển sang cuối tháng 7 Âm lịch, các quầy hàng vẫn ghi nhận sự vắng vẻ.
Theo một nhân viên bán hàng tại quầy bánh trung thu Hữu Nghị trên đường Cầu Giấy, mở bán đã được 2 tuần nhưng lượt khách ra vào chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.
“Mọi năm tầm này là nườm nượp khách ra khách vào rồi, có cả các đơn đặt lớn từ các doanh nghiệp nữa. Nhưng năm nay có lẽ một phần do mở bán muộn nên người dân vẫn chưa ghé mua nhiều”, nhân viên này chia sẻ.
Dự đoán được sức mua của thị trường năm nay, nhiều cửa hàng tạp hóa, đại lý bán lẻ không dám nhập nhiều hàng.
Tạp hóa và đại lý bán lẻ không dám nhập nhiều hàng |
Chị Nguyễn Vân Anh – chủ một tạp hóa bán lẻ tại khu chợ Nghĩa Tân cho biết: “Mọi năm, tôi nhập nhiều đợt, đợt đầu sẽ nhập khoảng 200 cái, những đợt sau sẽ dựa vào sức mua của thị trường để nhập cho phù hợp nhưng năm nay đợt đầu tôi chỉ dám nhập 100 cái mà nửa tháng nay vẫn chưa bán hết”.
Cũng giống như thị trường truyền thống, thị trường online cũng ghi nhận sự đìu hiu khác hẳn những năm trước. Trên các chợ ”mạng”, dù đa dạng các mẫu mã, hương vị từ truyền thống đến hiện đại nhưng theo các người bán hàng, lượng người hỏi mua không nhiều.
Chị Nguyễn Phương Thảo – một người bán bánh trung thu online cho biết, dù đăng đến gần chục nhóm “chợ online” nhưng cũng không tiếp cận được nhiều khách hàng.
“Tôi tập trung bán những mẫu bánh handmade do tôi tự làm và làm những dòng bánh hiện đại nhưng dù đã mở hàng được gần 1 tháng mà lượng khách đặt đơn lác đác. Ngoài các nhóm chợ cư dân, tôi cũng có 1 page chuyên bán hàng theo mùa nhưng page ấy năm nay cũng không giúp tôi thu về lượng khách nhiều như mọi năm”, chị Thảo bộc bạch. Chị Thảo dự đoán, thị trường sẽ đạt ”đỉnh” vào khoảng ngày mùng 5-14 tháng 8 Âm lịch.
Nguồn: https://congthuong.vn/am-dam-thi-truong-banh-trung-thu-2024-341741.html