Đáng chú ý, Sông Lô vẫn là địa phương nghèo nhất tỉnh và sau hàng chục năm đứng áp chót bảng xếp hạng của tỉnh, đến năm học này, ngành giáo dục huyện mới có sự khởi sắc.
Khơi dậy tự trọng nghề nghiệp của giáo viên
Để có sự thay đổi này, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Sông Lô đổi mới chỉ đạo chuyên môn, quản lý trường học. Cuối năm học 2022-2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo khảo sát tất cả các trường, dùng đề thi chung và chấm chéo giữa trường này với trường kia. Kết quả kỳ khảo sát được công khai toàn huyện để mỗi giáo viên tự soi chiếu và tìm cách cải thiện vị trí của mình.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Thu Hương cho biết: Kết quả khảo sát không dùng để đánh giá hay xếp loại nhà trường vào giáo viên, mà để mỗi trường, mỗi bộ môn biết chính xác mình đang ở đâu. Hiệu trưởng cũng nắm chắc năng lực, khả năng của từng giáo viên để phân công nhiệm vụ phù hợp và chỉ đạo công tác chuyên môn sát hơn.
Phương pháp khảo sát và công khai điểm đánh vào tự trọng nghề nghiệp của mỗi giáo viên. Không ai muốn trường, lớp của mình bị đánh giá thấp hơn đơn vị khác bởi vì danh dự, uy tín với phụ huynh là điều sống còn với giáo viên. Từ đó, đội ngũ giáo viên Sông Lô nỗ lực cao hơn, cải thiện đáng kể điểm số mỗi môn học.
Thầy Nguyễn Anh Hào, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đôn Nhân cho biết: Sau các cuộc thi, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo mời từng hiệu trưởng lên trao đổi kỹ về kế hoạch chỉ đạo toàn diện, giải pháp, điều chỉnh, rút kinh nghiệm đối với các lĩnh vực còn yếu. Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo thường xuyên kiểm tra đột xuất, thường là đến thẳng lớp học, rồi mới đến gặp hiệu trưởng.
Chương trình giáo dục âm nhạc Trường Mầm non Nhạo Sơn. |
Trường Tiểu học Đôn Nhân nằm ở khu vực nông thôn, kinh tế còn khó khăn, song năm học 2023-2024, trường vươn lên vị trí số 1 khối Tiểu học của huyện. Đội ngũ giáo viên của trường rất say sưa với công việc. Trường còn có những nhân tố xuất sắc như cô giáo trẻ Lê Thị Ánh Tuyết, giải nhất giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, nhiệt tình tham gia hoạt động xã hội, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Cô Tuyết nêu kinh nghiệm giảng dạy: Tôi thường tổ chức các trò chơi để khơi gợi sự hứng thú, tìm tòi của học sinh trước khi vào bài mới. Tôi cũng chú trọng rèn chữ viết cho học sinh. Tôi cho rằng tự bồi dưỡng, tự học rất quan trọng, bên cạnh đó cần lắng nghe góp ý sau mỗi lần dự giờ.
Giáo dục tiểu học có những bước đi vững chắc, giúp nâng tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 99,46% và hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%. Toàn huyện có 540 lượt học sinh tham dự giao lưu học sinh năng khiếu môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh được giải.
Năm học này, có 15/17 trường mầm non tổ chức hoạt động cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh; tất cả 17 trường mầm non thực hiện đánh giá trẻ theo 5 lĩnh vực phát triển giáo dục mầm non và thực hiện học 2 buổi/ngày. Đội ngũ giáo viên mầm non tổ chức nhiều nhóm, tổ liên trường để trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, tích cực tham gia các hội thi, phong trào do ngành giáo dục phát động.
Cô Lê Thị Kim Thúy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nhạo Sơn cho biết: Đội ngũ giáo viên của trường đều biết khai thác, sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm giáo dục trong thiết kế và tổ chức các hoạt động giáo dục. Giáo viên của trường rất chịu khó tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.
Những dấu ấn về chất lượng giáo dục
Năm học 2023-2024, Phòng Giáo dục và Đào tạo tăng cường tập huấn chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Trung học cơ sở (THCS) về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 9, công tác ôn thi vào 10 Trung học phổ thông, khảo sát chất lượng học sinh lớp 9, thi thử vào lớp 10 Trung học phổ thông.
Giáo dục THCS có chuyển biến tích cực, nhiều kết quả lần đầu đạt mốc mới. Toàn huyện có 92,31% học sinh tốt nghiệp lớp 9 đăng ký dự thi vào lớp 10. Điểm trung bình 3 môn thi của huyện là 6,95 điểm, tăng 0,83 điểm so với năm học trước, xếp thứ 5/9 huyện, thành phố.
Trong bảng xếp hạng các trường trung học cơ sở toàn tỉnh, một số trường trung học cơ sở huyện Sông Lô tăng nhiều bậc như: trường THCS Nhân Đạo tăng 18 bậc so với năm học trước; Trường Tiểu học và THCS Tứ Yên tăng 73 bậc; Trường THCS Hải Lựu tăng 65 bậc; Trường THCS Yên Thạch tăng 52 bậc so với năm học trước.
Nhiều trường có điểm trung bình 3 môn thi từ 7,0 điểm trở lên như THCS Sông Lô, THCS Nhân Đạo, Tiểu học và THCS Tứ Yên, THCS Hải Lựu. Các trường này cũng có điểm học và điểm thi sát nhất, khẳng định kết quả dạy thật, học thật.
Học sinh xuất sắc khối lớp 9 Trường THCS Sông Lô được khen thưởng. |
Một số đội tuyển có sự tiến bộ vượt bậc như đội tuyển Hóa, Tin học, Tiếng Anh. Học sinh Sông Lô đạt 2 giải cuộc thi Nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, trong đó Trường THCS Sông Lô đạt 1 giải Nhì.
Chất lượng mũi nhọn được cải thiện rõ rệt với 78 học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh, xếp vị trí thứ 4/9 huyện, thành phố. Trường THCS Sông Lô là trường chất lượng cao của huyện đã vươn lên vị trí thứ 6 toàn tỉnh khối THCS, đặc biệt, năm học này trường có đến 45 học sinh thi đỗ vào các trường Trung học phổ thông chuyên.
Hiệu trưởng Trường THCS Sông Lô, thầy Lê Thanh Sơn trao đổi kinh nghiệm: Giáo viên của trường thường xuyên học hỏi, giao lưu chuyên môn với giáo viên các trường khác, nhất là giáo viên các trường trung học phổ thông. Cùng với duy trì đoàn kết, nhà trường phát huy năng lực của các thầy, cô giáo; động viên, khen thưởng xứng đáng thầy cô có thành tích.
Nhìn lại một năm học đầy cố gắng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Thu Hương suy ngẫm: Những chuyển biến ban đầu gợi mở nhiều hướng đi, cách làm mới cho năm học tới. Để ngành giáo dục địa phương phát triển vững chắc hơn, các trường cần có đủ giáo viên, cơ sở vật chất. Ngành giáo dục cần sự đồng hành và quan tâm ủng hộ của các cấp, các ngành và các bậc phụ huynh đối với sự nghiệp giáo dục.
Nguồn: https://nhandan.vn/buoc-dot-pha-ve-chuyen-mon-cua-nganh-giao-duc-song-lo-post825660.html