Trong tuần tới, lịch trình tranh cử của ông Trump “kín đặc” với các sự kiện vận động tại Michigan, Pennsylvania và Wisconsin – các “bang xanh” quan trọng nắm giữ chìa khóa của kỳ bầu cử tháng 11. Theo CNN, đây được xem là nỗ lực lật ngược tình thế của đảng Cộng hòa khi cuộc đua đã sắp cán đích và bà Kamala Harris vẫn đang ở “kèo trên” trong hầu hết mọi bảng xếp hạng.
Lịch trình tranh cử của ông Trump đã được điều chỉnh sau thành công của Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ vào tuần trước. Nhiều nhà quan sát nhận định, vị thế và sức ảnh hưởng liên tục tăng cao của bà Harris sau sự kiện này đang de dọa khả năng trở lại Nhà Trắng của ông Trump. Tất nhiên, cựu Tổng thống cần phải tăng cường hiện diện trước công chúng nhằm giành lại sự chú ý; song, câu hỏi lớn hơn được đặt ra là: Liệu ông Trump có thay đổi cách tiếp cận cử tri để phù hợp với thời cuộc hay không?
Ông Donald Trump (trái) và bà Kamala Harris (phải). Ảnh: Getty
Ông Trump buộc phải thay đổi?
Đội ngũ vận động tranh cử và những người ủng hộ trung thành của ông Trump đang cố gắng thuyết phục ông theo đuổi một đường lối tranh cử nghiêm túc hơn trong thời gian tới.
Cuối tuần trước, trên chương trình “State of the Union” của đài CNN, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho rằng thông điệp của đảng Dân chủ về sự lạc quan và niềm hy vọng được đưa ra trong Đại hội toàn quốc vừa qua đã mở ra một cơ hội thay đổi cho ông Trump.
“Đảng Dân chủ nói về hi vọng và sự lạc quan nhưng họ không biết rằng, những điều này không tồn tại trong thế giới thực. Thế giới đang đối mặt với tình thế khó khăn. Hóa đơn sinh hoạt và chi phí nhà ở của các bạn sẽ tiếp tục gia tăng cho đến khi một nhà lãnh đạo có cái nhìn thực tế hơn lên thay thế”, ông Graham nói với người dẫn chương trình Jake Tapper của CNN.
Bình luận của ông Graham được xem là một phép so sánh ngầm giữa hai chương trình nghị sự của lưỡng đảng, đồng thời làm điểm mạnh trong cách tiếp cận theo kiểu thực tế của cựu Tổng thống. Cách tiếp cận này đã giúp ông Trump đắc cử vào năm 2016 thông qua việc khai thác sự phẫn nộ của cử tri đối với giới tinh hoa chính trị, truyền thông đại chúng cũng như các vấn đề nóng hổi tồn đọng bên trong nước Mỹ. Theo nhiều nhà phân tích, những tuyên bố gây tranh cãi của ông Trump thường có hiệu quả bởi “chúng mang đến cảm giác chân thật và không nặng yếu tố chính trị” như các ứng viên tranh cử theo đường lối truyền thống khác.
Tuy nhiên, trước đối thủ mới đến từ đảng Dân chủ – bà Kamala Harris, chiến thuật của ông Trump dường như đã mất hiệu quả và nhiều người cho rằng ông chỉ nói “lan man và không có trọng tâm”.
“Ông Trump đã xây dựng sự nghiệp chính trị của bản thân xoay quanh hình ảnh người da trắng nam tính. Trong quá khứ, điều này được xem là thế mạnh, nhưng hiện không rõ hình ảnh đó có còn tác dụng không”, Giáo sư Dan Cassino thuộc Đại học Fairleigh Dickinson nói, đồng thời cho rằng ông Trump nên “tinh tế và khéo léo hơn trong tranh cử”.
Các chuyên gia phụ trách chiến dịch của ông Trump chỉ ra rằng, chiến lược tranh cử của bà Harris rất rõ ràng: một nữ ứng viên da màu đấu tranh cho những vấn đề mà cử tri quan tâm nhất, bao gồm giá thực phẩm tăng cao và tình hình căng thẳng ở biên giới phía nam. Trong khi đó, chương trình nghị sự của ông chủ cũ Nhà Trắng cũng có nhiều điểm sang nhưng chúng đã bị “lu mờ” bởi “những phát ngôn gây tranh cãi trên các nền tảng xã hội, phần lớn là công kích cá nhân”.
Ông Trump tiếp tục “tô hồng” quá khứ
Cựu Tổng thống Trump có vẻ không bị thuyết phục bởi những yêu cầu thay đổi chiến thuật tranh cử từ các cố vấn.
Tại một cuộc họp báo hôm 15/8 vừa qua, khi được hỏi về những lời chỉ trích từ một số đảng viên đảng Cộng hòa rằng ông cần phải kỷ luật hơn và ngừng công kích cá nhân vào đối thủ của mình, ông Trump đã nói: “Về những cuộc công kích cá nhân, tôi rất tức giận với bà ấy vì những gì bà ấy đã làm với đất nước. Tôi nghĩ rằng mình có quyền công kích cá nhân”, báo The Hill dẫn lời ông Trump.
Người Mỹ đi bầu cử vào năm 2016. Ảnh: AP
Trước truyền thông, ông chủ cũ Nhà Trắng cho biết sẽ điều hành chiến dịch tranh cử “theo cách của mình”; theo đó nhấn mạnh những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình trên nền tảng so sánh với chính quyền đương nhiệm. Ông Trump nhiều lần cho rằng cuộc chiến tại Ukraine đã không có cơ hội diễn ra nếu ông còn là Tổng thống Mỹ, đồng thời tuyên bố sẽ chấm dứt cuộc chiến chỉ trong vòng 24 giờ sau khi tái nhiệm.
Tại đêm tranh luận trước đó với đối thủ Joe Biden, ông Trump tuyên bố có nước Mỹ đã có nền kinh tế lớn mạnh nhất thế giới trong 4 năm ông nắm quyền. Song, đài CNN đã đưa ra những số liệu cụ thể cho thấy, tuyên bố của cựu Tổng thống chỉ là “những tuyên bố suông” do lạm phát tăng cao vì đại dịch Covid-19.
Bà Harris hướng về tương lai
“Chúng ta sẽ không quay lại thời Trump” – đó là tuyên bố được bà Harris đưa ra trong bài phát biểu kéo dài 37 phút tại Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ vừa qua. Bài phát biểu ngắn gọn nhất lịch sử các kỳ đại hội tập trung làm rõ các ưu tiên và kế hoạch nếu bà Harris trở thành tổng thống Mỹ, khắc họa sự tương phản với ông Trump.
Trái ngược với lập luận của ông Graham về việc nước Mỹ “chưa sẵn sàng đón nhận niềm vui”, bà Harris bày tỏ mong muốn nhiệm kỳ của mình sẽ mang lại hi vọng cho cử tri và những hi vọng ấy không phải là phù phiếm. Phó Tổng thống cho rằng “các đối thủ trong cuộc đua này đang cố gắng khiến tình hình trở nên tồi tệ”, nhưng chính “tự do, lòng trắc ẩn, phẩm giá, sự công bằng và những khả năng vô tận” sẽ giúp nước Mỹ trở nên tốt đẹp hơn.
Chuyên gia phân tích chính trị Stephen Collinson của đài CNN nhận định, chiến thuật hướng đến tương lai của bà Harris là một nỗ lực nối dài tuần trăng mật chính trị. Điều này sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều khi Phó Tổng thống đặt mình với thế phải ứng biến trong cuộc tranh luận với ông Trump vào đầu tháng 9 tới, khác hẳn với những sự kiện tranh cử có kịch bản được lên sẵn mà bà từng thực hiện từ trước đến nay.
Cuộc đối đầu của ông Trump và bà Harris đang tập trung vào mục tiêu giành giật từng lá phiếu tại các bang chiến trường quan trọng. Tờ The Hill dẫn số liệu từ cuộc khảo sát được Đại học Fairleigh Dickinson công bố tuần trước cho thấy, ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris nhận được 50% sự ủng hộ từ những người tham gia cuộc khảo sát trên toàn quốc. Trong khi đó, đối thủ của bà là cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ nhận được 43%.
“Những con số thống kê đang cho thấy chiến thuật của bà Harris phát huy hiệu quả hơn so với đối thủ Trump. Kết quả của cuộc bầu cử thường được quyết định trong những tháng cuối và đây cũng là quãng thời gian ngắn ngủi để ông Trump kịp thay đổi lựa chọn của mình”, ông Collinson nói.
VOV.VN
Nguồn:https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ong-trump-se-thay-doi-chien-thuat-tranh-cu-voi-ba-harris-vao-giai-doan-nuoc-rut-post1116891.vov