BT- Đó là giây phút cây cối bắt đầu gầy guộc đi nhưng rừng vẫn còn rực sáng. Đã nhiều lần tôi lủi thủi một mình trong cái không gian dường như đang vút cao lên ấy, chỉ khác là lúc nhỏ thì sợ, sợ lắm, sợ vì bơ vơ, còn giờ, khi đã hai thứ tóc trên đầu, thì đỡ bấn loạn và nhịp tim không còn đập loạn xạ như ngày xưa nhưng vẫn sợ, sợ vì không chắc tâm hồn mình có đủ độ trữ tình với rừng hay không.
Năm giờ chiều rừng còn sáng nghĩa là
chút xíu nữa đây sẽ là chạng vạng và cái khoảnh khắc hực lên, cố lưu giữ, cố níu
kéo sẽ không còn nữa. Rừng cũng như con người vậy, khi đã chiều, những giấc mơ
về ánh sáng trở nên mong manh và khi ấy ta thường tự hỏi: Mình đã ở đâu khi
những giấc mơ không còn nữa?! Mình sẽ ở đâu khi rừng bao trùm một thứ nửa sáng
nhờ nhờ nửa tối mờ mịt của chạng vạng?! Chạng vạng, một kiểu nói về thời gian
cuối ngày của người miệt quê. Hừng đông. Đứng bóng. Chạng vạng. Và cũng có thể
hiểu đó là các mốc thời gian quan trọng của đời người, các mốc thời gian không
nằm trong vùng hư vô đêm tối.
Năm giờ chiều rừng còn sáng! Tôi đã
thì thầm một mình như thế nhiều lần khi đi trong rừng, nó không có tác dụng như
một câu thần chú nhưng nó trấn an người thì thầm ấy, một nhận thức và cũng là
một cách tự gieo hy vọng, kiểu như nói “Ba mươi tết vẫn chưa hết năm mà”.
Lúc đó, đang học lớp tám, tôi ở một
mình trong rừng, thực ra là trong một miếng rẫy của má tôi để lại khi người đi
bước nữa. Mười bốn tuổi với một căn chòi rẫy rách nát cạnh một dòng suối nhỏ và
cây cối hoang dại um tùm xung quanh. Không xa sau dọc rẫy người ta trồng bắp và
cây mè trải dài tới quá nửa sườn đồi là rừng rậm Râm Xanh. Thời ấy, rừng rậm
thật sự, vô vàn cây to tàn ngọn đan quện vào nhau thành một tầng cành lá dày đặc
kín bưng bên trên, các loại dây gùi, dây sóng rắn, dây mây gai bện chặt tầng bên
dưới. Và thú hoang, không biết có bao nhiêu loại thú, dữ có hiền có, ẩn núp đâu
đó trên các chạc ba, chạc bảy, trên các cành cao, bụi thấp, lúc ấy tôi không
hình dung nổi về các loài thú thật, chỉ nghe thỉnh thoảng có tiếng nai tác,
tiếng beo béo của các loài mèo rừng, tiếng khọt khẹt của bầy khỉ đuôi dài và
những tiếng ựm à bí hiểm trên cái nền âm thanh râm ran của ngàn vạn loài côn
trùng lớn bé. Dưới các lớp lá mục thì rắn rít, nhện độc nhiều lắm, những chiếc
lá vàng nâu chốc chốc lại cử động thật ra là có con gì đang nằm bên dưới, có thể
là bọ hung, cuốn chiếu hiền lành điệu nghệ nhưng cũng có thể là một con rắn vằn
vện, đầu tam giác cực độc. Có những bí mật của rừng, của những ánh sáng nhảy
nhót, của những con thú, của những chiếc lá mà tôi sở hữu được lúc còn ở tuổi
thiếu niên, những sở hữu ấy đã theo tôi tới tận giờ này.
Một lần đi chặt mấy cây sầm về thay
cho bốn trụ của bộ vạt tre đã mục gẫy, tôi lang thang mê mẩn với rừng đến mức
trời sập tối không hay. Khi nhận biết mình không thể ra tới bìa rừng khi còn
sáng, tôi đã bấn loạn đến mức không kịp buộc bốn cây sầm ấy lại, cứ vác hết lên
vai vừa đi vừa chạy. Những bóng đen chập chờn sau những gốc cây lớn đã làm tôi
tưởng tượng ra rất nhiều con ma gớm ghiếc đang rình rập. Chạng vạng là thời khắc
của trí tưởng con người hoạt động mạnh, tiếng kèn kẹt của hai thân tre cạ vào
nhau cũng thành tiếng đưa võng ru con của những người khuất mặt, một thoáng hơi
nước trăng trắng trên mặt bàu, mặt suối xa xa cũng thành hình ảnh con ma da hiện
lên dụ dỗ người trần, một tiếng mọt ăn gỗ cũng làm cho người đang sợ hãi thấy ra
một hàm nanh đe dọa, một tiếng trái rừng chín rụng cũng đủ làm tim của người
đang bấn loạn muốn vọt khỏi lồng ngực… Tôi sợ đến mức khi về tới chòi rẫy bốn
cây sầm chỉ còn hai, không biết chúng đã vuột khỏi vai, đã biến mất lúc nào và
bằng cách nào.
Tuổi niên thiếu của tôi gắn với vô
vàn những câu chuyện tưởng như không thể có thật kiểu như hai cây sầm biến mất,
nhưng chúng giúp tôi dần dà hiểu ra phần lớn những tiếp xúc với những bí mật của
rừng chỉ là cảm giác, cảm xúc và thậm chí cả ý nghĩa cuộc đời cũng nặng về cảm
xúc và ý tưởng được diễn đạt hoàn hảo. Những sở hữu ấy đã giúp tôi rất nhiều
trên những trang viết, đôi khi tôi nghĩ rừng chính là người thầy, một người thầy
lớn mà tôi được học, học nhiều điều ngay cả khi ánh sáng trong rừng yếu dần.
Thường thường các loài cỏ nhỏ thì sớm chìm vào đêm tối hư vô hơn những loài cổ
thụ vút cao. Bài học này đã đủ cho tôi sống và viết suốt đời bởi vậy mỗi khi
ngồi vào bàn viết, cái nhịp tim có từ thời lủi thủi một mình trong rừng ấy cứ
lặp đi lặp lại và câu thì thầm “Năm giờ chiều rừng vẫn còn sáng!” cứ văng vẳng
bên tai, cứ thủ – thỉ – mãi – bên – tai.
Nguyễn Hiệp