Chương trình đào tạo Thạc sĩ Công nghiệp văn hóa và Sáng tạo vừa được ra mắt tại Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), là chương trình thạc sĩ đầu tiên trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá và sáng tạo tại Việt Nam, mở ra rất nhiều cơ hội việc làm mới cho các học viên, hứa hẹn sẽ trở thành các xu thế nghề nghiệp đón đầu tương lai.
Hành trang cho ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo tại Việt Nam
Công nghiệp văn hoá và sáng tạo là ngành công nghiệp kết hợp sự sáng tạo, sản xuất và thương mại hóa các nội dung sáng tạo. Sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp văn hoá không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, di sản mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá văn hóa quốc gia trên trường quốc tế.
Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với việc đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực đó phải có hiểu biết sâu sắc về văn hóa, bản sắc dân tộc, mang tính sáng tạo, có tầm nhìn và có đủ năng lực để trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế sáng tạo.
Nguồn nhân lực đó cũng cần kết hợp nền tảng kinh doanh với sự lựa chọn lĩnh vực sáng tạo của họ, từ thời trang, xuất bản, âm nhạc, truyền hình, phim, biểu diễn và thiết kế,… Nguồn nhân lực cũng cần có năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới công nghệ thông tin và truyền thông – là cơ sở của nền kinh tế sáng tạo.
Trên thực tế chất lượng lao động tại Việt Nam vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng được nhu cầu cao của ngành nghề này. Hạn chế lớn nhất về chất lượng nguồn nhân lực là thiếu tính liên ngành trong kiến thức và kĩ năng.
Vì vậy, chương trình Thạc sĩ Công nghiệp văn hoá và Sáng tạo tại Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật được thiết kế với tính liên ngành cao và ứng dụng mạnh mẽ vào thực tiễn, hoàn toàn phù hợp với những yêu cầu trên. Học viên sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng về các lĩnh vực như:
Sự sáng tạo: Khám phá và phát triển các ý tưởng sáng tạo, ứng dụng trong các sản phẩm và dịch vụ văn hoá.
Chính sách và luật pháp liên quan đến công nghiệp văn hoá và sáng tạo: Hiểu biết sâu sắc và có khả năng ứng dụng linh hoạt các quy định pháp lý, chính sách hỗ trợ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá và sáng tạo.
Văn hóa, di sản, bản sắc dân tộc: Nghiên cứu và bảo tồn các giá trị văn hoá, di sản, phát huy bản sắc dân tộc.
Truyền thông, marketing: Kỹ năng xây dựng và thực hiện các chiến lược truyền thông, marketing cho các sản phẩm và dịch vụ văn hoá.
Công nghệ: Làm chủ và ứng dụng các công nghệ mới trong sáng tạo và sản xuất các sản phẩm văn hoá.
Đạo đức nghề nghiệp: Đảm bảo tính minh bạch, đạo đức trong các hoạt động của ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo.
Đón đầu xu thế nghề nghiệp của tương lai
Sau khi tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ Công nghiệp Văn hoá và Sáng tạo, người học có thể đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong các lĩnh vực khác nhau của ngành Công nghiệp văn hoá và Sáng tạo, bao gồm:
Giám đốc/Chuyên viên sáng tạo; Chuyên viên/Nhà sáng tạo/Nhà biên tập nội dung, nội dung số; Nhà thiết kế; Nhà sản xuất và làm phim độc lập; Nhà giám sát; Nhà quản lý; Nhà giáo dục; Nhà nghiên cứu; Người hoạch định chính sách
Đơn vị và khối ngành nghề thạc sĩ Công nghiệp văn hoá và Sáng tạo có thể tham khảo:
Khối cơ quan quản lý, các cơ quan quản lý về văn hoá, nghệ thuật, kinh tế, quản trị, giải trí, game, phát triển phần mềm, truyền thông…: các Bộ, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các bộ ngành liên quan, các cơ quan quản lý địa phương và quốc gia.
Khối nghiên cứu và đào tạo, các cơ quan nghiên cứu và đào tạo về công nghiệp văn hoá và sáng tạo: các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học và cao đẳng, nơi đào tạo và nghiên cứu về công nghiệp văn hoá và sáng tạo.
Khối thực hành, các cơ quan thực hành liên quan đến công nghiệp văn hoá và sáng tạo: các công ty sản xuất, các studio, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giải trí, nghệ thuật.
Khối truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí và truyền thông, các tổ chức phi chính phủ: các đài truyền hình, công ty truyền thông, các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, truyền thông.
Khối tư vấn và dịch vụ, các đơn vị, cơ quan hoạch định, tham mưu, tư vấn chính sách trong khối nhà nước và tư nhân; các doanh nghiệp, đơn vị dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo: các chuyên gia tư vấn, cố vấn cho các dự án văn hoá, sáng tạo.
Khối khởi nghiệp, khởi nghiệp về công nghiệp văn hoá và sáng tạo, học viên có thể khởi nghiệp, sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, truyền thông, giải trí.
Với nền tảng đào tạo liên ngành và nguồn nhân lực chất lượng, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật có đầy đủ cơ sở để trở thành đơn vị tiên phong của ĐHQGHN nói riêng và cả Việt Nam nói chung trong việc xây dựng chương trình và đào tạo thạc sĩ Công nghiệp văn hoá và Sáng tạo.
Chương trình hứa hẹn sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành Công nghiệp văn hoá và Sáng tạo tại Việt Nam, đón đầu xu thế nghề nghiệp của tương lai.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/giao-duc–y-te1/thac-si-cong-nghiep-van-hoa-va-sang-tao-don-dau-xu-the-nghe-nghiep-cua-tuong-lai-i385317/