Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (tiền thân là trường Đảng Nguyễn Ái Quốc) là trung tâm quốc gia đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các đoàn thể chính trị – xã hội; trung tâm quốc gia nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý phục vụ giảng dạy, học tập, góp phần quan trọng vào việc cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng.
Thực tế cho thấy, mỗi giai đoạn, thời kỳ đều có những thuận lợi và khó khăn, thách thức riêng, nhưng đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện luôn vượt qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng giao phó. Trường Đảng trước đây cũng như Học viện hiện nay luôn coi trọng công tác tổ chức – cán bộ, trong đó đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu có trình độ cao, có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, coi đó là khâu then chốt quyết định chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học của Học viện.
Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện được tuyển chọn kỹ càng về cả năng lực và phẩm chất chính trị từ các địa phương, ban, ngành, các trường đại học và được đào tạo cơ bản, chuyên sâu theo từng chuyên ngành tại Học viện. Từ khi hệ đào tạo sau đại học được mở ra tại Trường Đảng (từ năm 1964) và đào tạo theo quy chế Nhà nước có bảo vệ luận án phó tiến sĩ (từ năm 1987), đồng thời liên tục cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài với số lượng đông đảo vào những năm 80 của thế kỷ XX đã làm cho đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu của Học viện phát triển nhanh cả về chất lượng và số lượng. Bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng và lãnh đạo Học viện thì đội ngũ cán bộ, giảng viên Học viện cũng không ngừng phấn đấu tự rèn luyện, tự học tập để tự nâng cao trình độ về mọi mặt. Đó chính là sự bảo đảm bền vững nhất cho đội ngũ cán bộ khoa học trưởng thành và lớn mạnh.
Nhìn lại chặng đường đã qua, đội ngũ cán bộ, công chức của Học viện, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện đã có sự trưởng thành và phát triển về nhiều mặt. Học viện đến nay cơ bản đã có một đội ngũ cán bộ, giảng viên chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của Học viện. Họ trước hết là những người tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thể hiện trong nói, viết và làm ở bất kỳ cương vị nào, khi lên lớp giảng dạy, dự hội nghị, hội thảo cũng như trong cuộc sống hàng ngày ở các khu dân cư. Họ là những người đã được tuyển chọn, sàng lọc kỹ càng trước khi vào Học viện, được học tập, làm việc và rèn luyện dưới mái trường mang tên Bác; họ vừa là người giảng viên của Trường Đảng, vừa là người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam nên họ luôn có ý thức đấu tranh với các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, đấu tranh với âm mưu “diễn biến hòa bình” trong các bài giảng, bài viết, họ vững vàng và bản lĩnh trong mọi tình huống của thực tiễn công tác. Họ luôn có tinh thần đoàn kết, nhất trí cao, đó là truyền thống quý báu của cán bộ Học viện suốt 75 năm qua, nhờ đó mà tạo nên sức mạnh to lớn trong toàn Học viện.
Có thể nói, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện, đặc biệt là đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy luôn say mê với việc học tập, để nâng cao trình độ, đặc biệt là về lý luận chính trị, chuyên môn công tác để không ngừng hoàn thiện tiêu chuẩn của một nhà giáo có học hàm, học vị cao. Ngoài ra, cán bộ quản lý, giảng viên, nghiên cứu viên còn có chế độ đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở để gắn lý luận với thực tiễn.
Như vậy, một trong những điều làm nên bản sắc của trường Đảng Trung ương chính là ở chỗ, ngay từ giai đoạn đầu cả thầy và trò đều là những người từng trải trong công tác, trong lao động và chiến đấu, với những kinh nghiệm thực tế khá phong phú, khi được kết hợp với kiến thức khoa học, thì những kiến thức thực tiễn ấy càng có điều kiện được đúc rút, được hệ thống, và một lần nữa được trải nghiệm trong môi trường học tập, càng làm nhuần nhuyễn hơn cho sự kết hợp giữa kiến thức thực tiễn đã kinh qua trong công tác với kiến thức được trang bị tại Học viện, để từ đó không chỉ mở mang và nâng tầm kiến thức, mà hơn nữa càng đào luyện hơn lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị, cho cả người dạy và người học. Theo nghĩa đó, Học viện đã thực sự trở thành “lò luyện” người cán bộ có những phẩm chất toàn diện cả ở người dạy và người học. Những học viên được đào tạo, bồi dưỡng trong Học viện đã phát huy rất tốt trong công tác, nhiều người trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Chính những thế hệ cán bộ, giảng viên tâm huyết của Học viện đã đặt nền móng cho những thành tích vẻ vang của Học viện trong suốt những chặng đường vừa qua.
Tuy vậy, so với yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, trước yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn công tác cũng như nhiệm vụ, sứ mệnh của Học viện, việc phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện vẫn còn nhiều điều đáng phải suy ngẫm, đặc biệt là sự hẫng hụt trong đội ngũ kế cận. Vì vậy, trong những năm tới, thiết nghĩ, cần quan tâm hơn trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là đối với lực lượng giảng viên trẻ, bởi chúng ta biết rằng, trong bất cứ nền giáo dục nào thì người thầy cũng là nhân vật đóng vai trò đặc biệt quan trọng của quá trình giáo dục, thầy giỏi mới có trò giỏi, đội ngũ giảng viên phải là người quyết định chất lượng đào tạo của nhà trường, đối với đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ càng có ý nghĩa sâu sắc.
Trước hết, cần chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên. Đây là nội dung quan trọng, có ý nghĩa nền tảng trong nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của Học viện cả trước mắt và lâu dài. Vì vậy, cần tiếp tục rà soát, đánh giá thực chất đội ngũ giảng viên làm cơ sở cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành, giảng viên nòng cốt, giảng viên trẻ có năng lực toàn diện,… bảo đảm đồng bộ, có cơ cấu, độ tuổi hợp lý, hình thành lớp cán bộ đương nhiệm, kế cận, kế tiếp, có tính kế thừa liên tục, vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
Bên cạnh đó, tập trung bồi dưỡng toàn diện cả về học vấn, phẩm chất chính trị, năng lực sư phạm và kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ giảng viên nói chung và giảng viên trẻ nói riêng. Theo đó, việc bồi dưỡng cho đội ngũ này cần xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn, từ mục tiêu, yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo; đặc điểm, yêu cầu của nghề nghiệp, trình độ cán bộ để xác định hình thức cho phù hợp.
Cùng với đó, cần có các chính sách sử dụng và đãi ngộ phù hợp. Ngoài ra, bản thân mỗi cán bộ, giảng viên phải không ngừng cố gắng phấn đấu vươn lên về mọi mặt hơn nữa mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ, đáp ứng được sự tin cậy của Đảng và Nhà nước, đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn công tác, của học viên, của các địa phương, các ngành có học viên đến đào tạo tại Học viện.
Phát huy truyền thống 75 năm vẻ vang của Học viện, toàn thể cán bộ, giảng viên của Học viện nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, quyết tâm xây dựng Học viện ngày càng lớn mạnh, vững bước phát triển trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước chính là chìa khóa làm vẻ vang thêm truyền thống của Học viện mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/hoc-vien-chinh-tri-quoc-gia-ho-chi-minh-xay-dung-doi-ngu-can-bo-giang-vien-xung-tam-nhiem-vu-i385944/