(MPI) – Ngày 23/8/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp với các đơn vị thuộc Bộ về hồ sơ đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (Một luật sửa 4 luật). Cùng dự cuộc họp có Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc.
Ngay sau khi được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng 2 dự án luật là: Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và dự án Một luật sửa 4 luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương đẩy mạnh công tác hoàn thiện hồ sơ đáp ứng chất lượng, tiến độ mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đề ra. Theo đó, Bộ đã tập trung đặc biệt để đẩy mạnh một cách nhanh chóng, khẩn trương với sự tham gia của các cơ quan liên quan. Việc hoàn thiện hồ sơ đề xuất sửa các luật được thực hiện khẩn trương theo đúng yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành liên quan ưu tiên thời gian, nguồn lực cao nhất, tập trung chuẩn bị nội dung, hoàn thiện hồ sơ, tờ trình và tài liệu liên quan của Chính phủ trình Ủy Ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm tiến độ, chất lượng, trong đó có Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Một luật sửa 4 luật.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các đồng chí dự họp tiếp tục nghiên cứu, tập trung thảo luận, trao đổi thẳng thắn, đi vào vấn đề cụ thể với tinh thần việc sửa các dự án luật là giúp khơi thông các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế; cần có tư duy mới, kiến tạo phát triển một cách chủ động.
Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với các nội dung liên quan đến các lĩnh vực đầu theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu; đầu tư; quy hoạch, trong đó nhấn mạnh đến tiêu chí dự án PPP, quy mô vốn đầu tư, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia để thực hiện dự án PPP; các nội dung liên quan đến dự án BT; phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết hạ tầng KCN, KCX; bổ sung căn cứ liên quan đến Quỹ hỗ trợ đầu tư; phân cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh; quy định cho phép điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn; về “Danh mục dự án” trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thành “Danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia” và “Danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện”…
Việc xây dựng một luật sửa bốn luật nêu trên nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiễn triển khai liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Đánh giá cao các ý kiến phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm của các đơn vị liên quan, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị đơn vị được giao chủ trì khẩn trương tiếp thu các ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng các dự án luật; đồng thời nhấn mạnh, phải nghiên cứu một cách chắc chắn, lồng ghép lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế; phải coi đây như một cuộc cách mạng, tháo gỡ các ách tắc nhằm giải phóng, huy động, sử dụng các nguồn lực thúc đẩy phát triển đất nước.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, làm rõ thêm các nội dung cụ thể liên quan đến các Luật: Quy hoạch, Đầu tư, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Đấu thầu. Đồng thời nêu rõ, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn đã rõ. Điều quan trọng là phải đánh giá được tác động, thể hiện rõ được quan điểm, tư tưởng trong việc sửa đổi các dự án luật; phải bám sát vào chủ trương, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền để đưa ra các điều khoản cụ thể nhằm khắc phục được những khó khăn, vướng mắc hiện nay nhưng phải phù hợp với thông lệ quốc tế; đảm bảo lợi ích nhà đầu tư, nhà nước, người dân theo tinh thần lợi ích thì hài hòa và rủi ro chia sẻ.
Những quy định cần sửa đổi, bổ sung phải được xác định rõ ràng nội dung, phương án sửa đổi, bổ sung và đánh giá tác động cụ thể; đồng thời, bảo đảm tính độc lập, ổn định, thống nhất, kế thừa được nội dung khi sửa đổi, bổ sung toàn diện các luật để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-8-23/Bo-truong-Nguyen-Chi-Dung-chu-tri-cuoc-hop-ve-ho-se47i1u.aspx