Cô Lê Thị Nghèo (30 tuổi), giáo viên điểm trường Măng Dí (Trường mẫu giáo xã Trà Nam), nói năm nay đón khoảng 35 trẻ tới lớp. Tất cả là con em của đồng bào Ca Dong, sống dựa vào rừng núi.
“Nhà công vụ” tạm bợ
Điểm trường Măng Dí cách trường chính khoảng 15km, các cô giáo lâu nay đi xe máy lên lớp mất chừng 45 phút. Đây là 1 trong 7 điểm trường nằm rải rác tại các làng trên núi cao của bà con Ca Dong thuộc Trường mẫu giáo Trà Nam.
Do điểm trường cách xa nhà, ban ngày phụ huynh thường phải lên nương rẫy nên không thể đưa đón con em đều đặn.
Để trẻ không bỏ học, cuối ngày về tới nhà an toàn, cha mẹ các học sinh đã cắt cử từng người lớn trong làng thay nhau đến trường túc trực để đón trẻ về nhà. Mỗi làng một vài người, luân phiên hằng tuần.
Để có chỗ ở, ngay trước thềm năm học mới, các phụ huynh đã cùng nhau vào rừng chặt tre nứa, cây lồ ô rồi về dọn dẹp mặt bằng khu đất đối diện điểm trường Măng Dí dựng lán. Lán này sẽ là chỗ ở cho cha mẹ học sinh trong lúc ngồi chờ con hết giờ học.
Cô Nghèo cho biết hơn 30 phụ huynh đã tập trung làm trong một ngày rưỡi để dựng chiếc lán khung tre, vách và mái bằng thân cây lồ ô. Lán đặt đối diện điểm trường, dùng làm chỗ nghỉ ngơi cho phụ huynh. Đôi khi trẻ con cũng theo cha mẹ vào lán để ở.
“Năm nay có thời gian, trời cũng nắng ráo nên lán được làm kỹ hơn, đẹp hơn. Phần mái bên trên được lợp bằng bạt nhựa, dưới phủ nan lồ ô để mưa không vào bên trong.
Ban ngày các phụ huynh ở trong lán và tranh thủ phụ cô giáo dọn dẹp vệ sinh khuôn viên trường, làm hàng rào, phụ nấu cơm trưa cho trẻ. Các cha mẹ cũng được nhà trường trả một khoản kinh phí. Chiều thì họ dẫn con em về lại làng” – cô Nghèo nói.
Những “nhà công vụ” đặc biệt ở các điểm trường vùng cao Quảng Nam
Nam Trà My là huyện xa nhất nằm ở phía tây tỉnh Quảng Nam, giáp với Kon Tum. Đây cũng là huyện có nhiều điểm trường lẻ đóng rải rác dọc triền núi.
Do cách làng khá xa, trước thềm năm học mới các phụ huynh ở điểm trường tách biệt thường cùng nhau dựng các lán trại đơn sơ để ở lại trong ngày, chiều dẫn con em về làng.
Bà Trà Thị Lệ – hiệu trưởng Trường mẫu giáo Trà Nam – cho biết trường có tổng cộng 7 điểm lẻ, tổng số 230 trẻ. Nhiều điểm trường nằm trong núi sâu, giáo viên lẫn học sinh phải đến lớp trong nhiều cơ cực, khó khăn.
Ở các điểm trường xa xôi này, phụ huynh tận dụng nhà gỗ bỏ hoang để ở, hoặc tự vào rừng đốn lồ ô về dựng lán tạm như cách làm ở điểm Măng Dí.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nha-cong-vu-bang-tre-nua-lop-vo-cay-chuan-bi-le-khai-giang-o-quang-nam-20240826150737518.htm