Bên trong Hòa Khiêm Đường (điện thờ vua và hoàng hậu), nội thất của tòa nhà được sơn đen, trong khi các đồ thờ tự đều được sơn son thếp vàng. Tại đây còn lưu giữ nhiều kỷ vật của vua Tự Đức và các hậu, phi, đặc biệt là các bức tranh gương minh họa những bài thơ do vua Thiệu Trị ngự chế, khung tranh được thếp vàng và chạm trổ rất tinh xảo.
Vua Tự Đức (Dực tông Anh hoàng đế, tên húy Nguyễn Phúc Hồng Nhậm) lên ngôi khi 19 tuổi, trị vì được 36 năm (1847-1883), là vị vua thứ 4 và ở ngôi lâu nhất trong số 13 vua nhà Nguyễn. Ông mất vào ngày 16/6 năm Quý Mùi tức ngày 19/7/1883, hưởng thọ 54 tuổi.
Theo sử sách, vua Tự Đức có dáng người nho nhã, điềm tĩnh, đọc nhiều sách, là một vị vua hay chữ và uyên bác nhất triều Nguyễn.
Về văn chương, nhà vua có những đóng góp khá quan trọng cho văn chương Việt Nam. Ông đã sáng tác một khối lượng tác phẩm đồ sộ: 600 bài văn, 4.000 bài thơ chữ Hán và khoảng 100 bài thơ chữ Nôm.
Ông còn tự tay sửa chữa, biên tập một số tích tuồng dân gian. Nhà vua cho mở Tập Hiền Viện và Khai Kinh Diên để bàn luận về thơ phú, lịch sử và chính trị với các nhà văn, nhà thơ. Ông chỉ đạo Quốc sử quán biên soạn bộ Khâm định Việt sử Thông giám cương mục… và viết nhiều “ngự phê” cho bộ sử lớn này.
Các tác phẩm của ông gồm: Ngự chế thi tập, Ngự chế văn tập, Cơ dự tự tỉnh thi tập, Việt sử tổng vịnh, Luận ngữ diễn ca, Thập điều diễn ca, Tự học giải nghĩa ca… Đặc biệt là bài Khiêm Cung Ký trên tấm bia đá Thanh đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Nguồn: https://danviet.vn/kham-pha-noi-an-nghi-cua-vi-vua-noi-tieng-uyen-bac-trieu-nguyen-20240826144211246.htm