Mắc ca là loại cây có nguồn gốc từ Úc, đây là cây gỗ lớn có hiệu quả kinh tế cao. Tại Việt Nam, cây mắc ca đã được trồng tại nhiều nơi và đem lại hiệu quả kinh tế cao, được ví như “cây tỷ đô”. Trên địa bàn xã Khao Mang (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), những năm gần đây loại cây này đã được người dân trồng thử nghiệm.
Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, năm 2019 gia đình ông Vàng A Trừ ở bản Nà Dề Thàng (xã Khao Mang) trồng 76 gốc mắc ca xen ngô, với việc chăm sóc đúng kỹ thuật cộng với loại cây này tỏ ra phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu nên sau hơn 4 năm trồng số cây mắc ca của nhà ông Trừ đều sinh trưởng tốt, trong đó đã có hơn 10 cây bắt đầu bói quả, có những cây rất sai quả.
Theo đánh giá của nhiều hộ dân trồng mắc ca, với mỗi hecta, người trồng có thể thu nhập ổn định từ 200 – 400 triệu đồng thì đây sẽ là cơ hội để gia đình ông Trừ có thể tiếp tục mở rộng diện tích. “Về thời tiết cũng phù hợp với cây mắc ca, tuy nhiên về kinh nghiệm chăm sóc cây tôi cũng mong chính quyền địa phương hỗ trợ về kỹ thuật để chúng tôi chăm sóc cây được đảm bảo” – ông Vàng A Trừ mong muốn.
Còn đối với gia đình ông Vàng A Su ở bản Khao Mang (xã Khao Mang), trong những năm qua, kinh tế của gia đình ông chủ yếu dựa vào làm nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, nguồn thu nhập này dù có ổn định nhưng lại thấp.
Với mong muốn tăng thu nhập, năm 2019 sau khi được Hiệp hội Mắc ca Việt Nam giới thiệu về tiềm năng, triển vọng và hiệu quả kinh tế của cây mắc ca tại khu vực Tây Bắc, gia đình ông Su cũng đã quyết định đầu tư mua 40 cây mắc ca để trồng, sau gần 5 năm số cây này sinh trưởng phát triển tốt và lên cao đến trên 3 mét.
Ông Vàng A Su chia sẻ: “Trồng mắc ca ở khu vực này rất phù hợp, chắc chắn đảm bảo phát triển tốt, tôi trồng đã được 5 năm, hiện cây đang ra hoa và sắp tới sẽ có quả”.
Một số chuyên gia nhận định, do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên cây mắc ca ở Mù Cang Chải sinh trưởng phát triển tốt hứa hẹn đây là loại cây sẽ mang lại thu nhập ổn định và lâu dài góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
Nhân rộng và chú trọng kỹ thuật chăm sóc cây mắc ca
Là xã vùng cao, nền kinh tế còn khó khăn, việc đưa những giống cây mới vào canh tác để tăng thêm thu nhập cho người dân theo chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng là rất cần thiết. Hiện nay xã Khao Mang mới chỉ có 1 ha cây mắc ca được người dân đưa vào trồng, diện tích mắc ca này sinh trưởng và phát triển tốt, đã có nhiều cây rất sai quả và từng bước cho thấy triển vọng về hiệu quả kinh tế.
Bên cạnh cây mắc ca, xã Khao Mang cũng đã đưa cây dẻ Trùng Khánh, cây cà phê vào trồng thử nghiệm, qua đánh giá những loại cây này rất phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu nơi đây và cũng hứa hẹn đây là những loại cây sẽ giúp cho người dân nơi đây xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Ông Sùng A Sử – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Khao Mang cho biết, Cây mắc ca sinh trưởng và phát triển rất tốt, cây phù hợp với khí hậu và đất đai của xã. Tuy nhiên do phát triển tự phát nên bà con chưa có kinh nghiệm chăm sóc dẫn đến một số cây bị sâu bệnh, do đó chưa phát triển được như mong muốn.
“So với các loại cây khác thì cây mắc ca vẫn là loại cây được đánh giá tốt. Trong thời gian tới Đảng ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền vận động cùng với người dân trồng và nhân rộng” – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Khao Mang cho hay.
Việc cây mắc ca sau khi trồng đã sinh trưởng và phát triển tốt tại xã Khao Mang cho thấy đây là loại cây có nhiều triển vọng trong phát triển kinh tế cũng như phủ xanh đất trống. Tuy nhiên để cây mắc ca thực sự trở thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo thì việc vận động nhân dân mở rộng diện tích cũng như tăng cường việc hướng dẫn nhân dân kỹ thuật chăm sóc là rất cần thiết.
Tuy nhiên, bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng mắc ca, lãnh đạo xã Khao Mang cũng phải tính đến phương án hỗ trợ bà con sơ chế, chế biến để thu được giá trị cao nhất từ cây mắc ca.
Nguồn: https://danviet.vn/moi-trong-thu-nghiem-cay-mac-ca-da-sai-luc-liu-nong-dan-xa-vung-cao-cua-yen-bai-mo-thu-tien-to-20240825191537944.htm