Tại kỳ họp bất thường thứ 8 Quốc hội khóa XV ngày 26.8, Quốc hội đã phê chuẩn các ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao; Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, làm phó thủ tướng.
Nghị quyết về việc phê chuẩn bổ nhiệm phó thủ tướng đối với các ông Nguyễn Hòa Bình, Hồ Đức Phớc, Bùi Thanh Sơn đã được Quốc hội thông qua với 432/432 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Cùng với việc phê chuẩn bổ nhiệm chức danh phó thủ tướng, Quốc hội cũng đã bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ Chánh án TAND tối cao đối với ông Nguyễn Hòa Bình.
Đối với các ông Hồ Đức Phớc và Bùi Thanh Sơn, Quốc hội chưa thực hiện việc miễn nhiệm các chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Do đó, các ông Hồ Đức Phớc và Bùi Thanh Sơn sẽ kiêm giữ các chức vụ này sau khi được bổ nhiệm làm phó thủ tướng.
Trước đó, Quốc hội cũng đã tiến hành miễn nhiệm chức danh phó thủ tướng đối với ông Lê Minh Khái và ông Trần Lưu Quang.
Ông Lê Minh Khái đã được T.Ư Đảng đồng ý cho thôi các chức vụ Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên T.Ư Đảng khóa XIII tại Hội nghị T.Ư hôm 3.8. Ông Khái cũng bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo do các vi phạm liên quan tới dự án Đại Ninh (tỉnh Lâm Đồng) trong thời gian giữ cương vị Tổng thanh tra Chính phủ.
Ông Trần Lưu Quang hôm 16.8 đã được Bộ Chính trị phân công, điều động làm Trưởng ban Kinh tế T.Ư.
Trước khi phê chuẩn bổ nhiệm 3 phó thủ tướng mới, Quốc hội cũng đồng ý sửa đổi nghị quyết về cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026, theo đó bổ sung 1 phó thủ tướng vào cơ cấu Chính phủ, tăng từ 4 phó thủ tướng lên 5 phó thủ tướng.
Sau khi được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm thêm 3 phó thủ tướng, Chính phủ có Thủ tướng Phạm Minh Chính và 5 phó thủ tướng: Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc (kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính), Bùi Thanh Sơn (kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao).
Ông Nguyễn Hòa Bình (66 tuổi), quê quán xã Hành Đức, H.Nghĩa Thành, tỉnh Quảng Ngãi; trình độ PGS-TS luật, đại học an ninh. Ông Nguyễn Hòa Bình là Ủy viên T.Ư Đảng các khóa XI, XII, XIII; Ủy viên Ban Bí thư các khóa XII, XIII và là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII. Ông cũng là đại biểu Quốc hội các khóa từ XIII đến XV.
Sau khi tốt nghiệp Trường trung cấp Công an Hải Phòng rồi Trường đại học An ninh nhân dân, ông Nguyễn Hòa Bình công tác trong ngành công an tại Quảng Nam – Đà Nẵng. Sau khi hoàn thành nghiên cứu sinh tại Liên Xô, tháng 12.1991, ông Nguyễn Hòa Bình công tác tại Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an và giữ chức cục trưởng. Từ tháng 2.2006 – tháng 4.2008, ông Nguyễn Hòa Bình được bổ nhiệm làm Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an kiêm Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra án tham nhũng; được thăng cấp bậc hàm thiếu tướng công an (từ tháng 4.2007).
Từ tháng 4.2008 đến tháng 7.2011, ông được điều động làm Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (từ tháng 6.2010). Tới tháng 7.2011, sau khi được bầu vào T.Ư Đảng khóa XI, ông được Quốc hội bầu làm Viện trưởng Viện KSND tối cao và giữ chức này tới tháng 4.2016. Từ tháng 4.2016, sau khi tái đắc cử Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII, ông được bầu vào Ban Bí thư T.Ư Đảng khóa XII, ông được Quốc hội khóa XIV bầu làm Chánh án TAND tối cao nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Tới Đại hội XIII của Đảng (tháng 1.2021), ông được bầu vào Bộ Chính trị, tiếp tục được bầu giữ chức vụ Chánh án TAND tối cao nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Ông Hồ Đức Phớc (61 tuổi), quê tại xã Quỳnh Thạch, H.Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An; trình độ tiến sĩ kinh tế, cử nhân ngành tài chính – kế toán. Ông là Ủy viên T.Ư Đảng các khóa XII, XIII; đại biểu Quốc hội các khóa XIV, XV.
Ông Hồ Đức Phớc trưởng thành từ cơ sở khi đã trải qua cương vị kế toán trưởng của Xí nghiệp xây lắp (Công ty xây dựng 7, Nghệ An) sang Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TX.Cửa Lò… trước khi trở thành Chủ tịch UBND TX.Cửa Lò (Nghệ An).
Năm 2007, ông là Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, trở thành Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An từ năm 2010 và 3 năm sau đó trở thành Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.
Tháng tháng 1.2016, ông Phớc trúng cử Ủy viên T.Ư Đảng khóa XII và trở thành Tổng kiểm toán Nhà nước vào tháng 4 cùng năm. Tháng 1.2021, ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII, sau đó được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính tới nay.
Ông Bùi Thanh Sơn (62 tuổi), quê tại P.Tây Mỗ, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội; trình độ thạc sĩ quan hệ quốc tế. Ông là Ủy viên T.Ư Đảng các khóa XII, XIII; đại biểu Quốc hội các khóa XIV, XV.
Ông Bùi Thanh Sơn gắn bó và trưởng thành với ngành ngoại giao với hơn 30 năm công tác trong ngành này, trải qua nhiều chức vụ: Phó giám đốc Học viện Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Singapore, Phó vụ trưởng rồi Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại; Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định PCA Việt Nam – EU).
Ông Bùi Thanh Sơn có hơn 1 năm học tiếng Nhật tại Nhật Bản (9.1988 – 12.1989), học thạc sĩ quan hệ quốc tế tại Đại học Columbia (Mỹ) từ 9.1991 – 6.1993. Ông sử dụng thành thạo tiếng Anh và tiếng Nhật.
Ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao lần đầu vào tháng 11.2009, khi 47 tuổi, là một trong những thứ trưởng trẻ tuổi của Bộ Ngoại giao.
Năm 2021, sau khi tái đắc cử T.Ư Đảng khóa XIII, ông được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Bùi Thanh Sơn là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đầu tiên không phải là phó thủ tướng kiêm nhiệm sau 15 năm, từ 2006 – 2021.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/cac-ong-nguyen-hoa-binh-ho-duc-phoc-bui-thanh-son-lam-pho-thu-tuong-185240824153633565.htm