Điện thoại Pixel mới giúp bạn dễ dàng chỉnh sửa ảnh, thêm những người không có trong ảnh gốc hoặc di chuyển vị trí của họ. Bạn sẽ có thể ghi lại các cuộc gọi điện thoại, nhận được bản tóm tắt chi tiết về cuộc trò chuyện.
Những tính năng thú vị trên chỉ ra một hướng đi đáng lo ngại khi các công cụ AI sẽ được tích hợp vào nhiều điện thoại hơn. Càng dễ dàng thao túng nội dung chúng ta chụp trên thiết bị của mình, thì càng khó tin tưởng vào những gì chúng ta thấy trên đó.
Đối với điện thoại Pixel 9 mới, vừa được bán vào ngày 22 tháng 8, Google đã tập trung hầu hết sức mạnh AI của mình – được hỗ trợ bởi chip G4 mạnh mẽ bên trong điện thoại – vào camera. Tính năng “Add Me” được coi là một giải pháp xử lý các tình huống khó khi chụp selfie (tự chụp).
Ví dụ, bạn có hai người và không có ai chụp hộ. Thay vì chụp selfie hai người thường không lấy được toàn cảnh và không đẹp mắt, thì bạn chụp ảnh một người bạn, sau đó nhờ người đó chụp ảnh bạn. AI của Google sẽ ghép hai người lại với nhau để trông giống như hai bạn đang đứng cạnh nhau.
Khi ai cũng có thể là “chuyên gia công nghệ”
Trong thời đại thông tin nhiễu loạn và khó xác thực trên truyền thông xã hội hiện nay, điều đó chẳng phải sẽ khiến việc xác định đâu là ảnh thật trở nên khó khăn hơn sao?
Rick Osterloh, người phụ trách nền tảng Android của Google, đã lên tiếng trấn an trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal rằng Google chỉ đơn giản là cho phép mọi người chỉnh sửa những khoảnh khắc trong cuộc sống thực của họ và “lưu trữ ký ức theo cách họ muốn” – không khác gì Photoshop.
Tuy nhiên, hầu hết chẳng mấy ai dùng diện thoại bận tâm hoặc sẵn sàng trả phí 23 USD hàng tháng cho Adobe Photoshop nếu không phải vì công việc, nhưng phần lớn mọi người có khả năng mua điện thoại mới hỗ trợ AI từ Apple, Samsung hoặc Google, vốn có thể chỉnh sửa ảnh chỉ bằng một vài thao tác.
Những chiếc iPhone sắp ra mắt của Apple sẽ có công cụ Clean Up để xóa các vật thể và người khỏi ảnh. Samsung sẽ cho phép bạn di chuyển một người trong ảnh để trông giống như họ đang đối mặt với người khác.
Tất nhiên những tính năng trên chẳng có gì mới trong thế giới công nghệ, thậm chí đã rất quen thuộc từ lâu đối với ngay cả một kỹ thuật viên máy tính bình thường, nhưng một khi nó có thể được sử dụng chỉ bằng một vài thao tác đơn giản, thì câu chuyện thực sự sẽ rất khác.
Những tính năng này được quảng cáo là tiện lợi, nhưng chúng cũng khiến chúng ta dễ nghi ngờ tính chính xác và tính thực tế của ảnh hơn nhiều so với hiện tại.
Trong cuộc phỏng vấn của mình, Osterloh cũng bảo vệ một quảng cáo trên TV quảng bá công cụ AI Gemini của Google trong kỳ Olympic Paris vừa rồi, trong đó một người cha khuyến khích cô con gái nhỏ của mình sử dụng AI để viết thư cho một vận động viên để nói rằng “cô ấy truyền cảm hứng thật tuyệt làm sao”.
Google đã bị chỉ trích vì không hiểu lý do thực sự khiến cha mẹ khuyến khích con cái viết thư cảm ơn. Đó không phải giống việc ra cửa hàng mua một món quà, mà là chính quá trình bày tỏ lòng biết ơn.
Cái giá phải trả là sự mất niềm tin
Cho đến nay, cái giá của những tiện ích mới nhất của công nghệ là tiền bạc, dữ liệu cá nhân và sự riêng tư. Sử dụng dịch vụ của Google có nghĩa là bạn phải chia sẻ dữ liệu cá nhân của bạn – vị trí, lịch sử duyệt web, video bạn đã xem và nhiều hơn nữa. Để rồi sau đó, với một loạt các mạng quảng cáo khác nhau sẽ nhắm mục tiêu vào bạn, khiến bạn cảm giác mình luôn bị theo dõi mọi nơi mọi lúc.
Cái giá chúng ta phải trả cho các tính năng kỳ diệu của công nghệ thoạt đầu có vẻ tinh tế và trừu tượng, nhưng theo thời gian trở nên rõ ràng hơn khi chúng trở nên phổ biến. Mọi người trên khắp thế giới hiện dành khoảng 6 giờ mỗi ngày cho điện thoại thông minh. Công nghệ đang khiến bạn phải đánh đổi bằng thời gian cho giấc ngủ, con cái hoặc các hoạt động bổ ích hơn.
Theo Statista, hơn 70% các công ty tại Mỹ hiện đang thu thập dữ liệu cá nhân và theo nghiên cứu của YouGov, 2/3 người tiêu dùng trên toàn thế giới cảm thấy các công ty công nghệ kiểm soát quá nhiều thông tin chi tiết đó.
Cuối cùng, niềm tin ngày càng mất đi trong chúng ta, trước cả những gì chúng ta nhìn thấy tận mắt, bao gồm cả những thứ có thật. Và dù muốn hay không, sự phổ biến ngày càng tăng của điện thoại AI sẽ còn buộc chúng ta phải cảnh giác hơn về mọi thứ xung quanh, ít nhất trong khoảng từ 6 thậm chí đến 8 giờ hàng ngày trên không gian mạng.
Hải Anh
Nguồn: https://www.congluan.vn/dien-thoai-ai-cua-google-va-apple-se-lam-xoi-mon-niem-tin-vao-moi-thu-post309220.html