Lý giải về đề xuất này, hầu hết ý kiến trong Thường trực Ủy ban cho rằng, việc sửa đổi, điều chỉnh quy định về ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng là cần thiết và cần được quy định cụ thể trong luật nhằm xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng, minh bạch, bảo đảm phù hợp, tuân thủ quy định của Hiến pháp là các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định. Mặt khác, đây cũng là điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh, doanh nghiệp phát triển, giúp tăng nguồn thu, đóng thuế nhiều hơn cho ngân sách nhà nước.
Đây là “tín hiệu” đáng mừng đối với hàng triệu hộ kinh doanh trên cả nước. Bởi ngưỡng đóng thuế giá trị gia tăng của hộ kinh doanh hiện nay được cho là đã quá lạc hậu so với thực tế. Hơn nữa, theo quy định hiện hành, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được trừ chi phí bỏ ra mà tính thuế khoán theo tổng doanh thu. Cụ thể, mỗi tháng hộ, cá nhân kinh doanh đạt doanh thu trên 12,5 triệu đồng, tương đương khoảng 400.000 đồng/ngày đã phải đóng thuế.
Phân tích rõ hơn về vấn đề này, một chuyên gia dẫn chứng, GDP bình quân đầu người năm 2014 ở mức khoảng 40 triệu đồng/người. Trong khi năm 2023, con số này ở mức 101,9 triệu đồng/người, gấp khoảng 2,5 lần. Do đó, việc nâng ngưỡng chịu thuế cho hộ kinh doanh là rất cần thiết.
Ý kiến khác thì so sánh, hiện cá nhân làm công ăn lương hiện có mức giảm trừ gia cảnh đối với trường hợp không có người phụ thuộc là 132 triệu đồng/năm. Nếu có 1 người phụ thuộc là 184,8 triệu đồng/năm; có 2 người phụ thuộc là 237,6 triệu đồng/năm. Như vậy, trung bình mỗi người làm công ăn lương có 1 người phụ thuộc, ngưỡng thu nhập chịu thuế đã cao hơn ngưỡng doanh thu chịu thuế của cá nhân kinh doanh, trong khi để có doanh thu, cá nhân kinh doanh phải mất các chi phí đầu vào.
Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 2,1 triệu hộ kinh doanh có mã số thuế và doanh thu hộ kinh doanh chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng thu ngân sách. Nếu xây dựng mức doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng là 200 triệu đồng/năm sẽ có khoảng trên 620.000 hộ kinh doanh không phải nộp thuế. Nếu tính theo mức 300 triệu đồng, sẽ có hơn 734.000 hộ kinh doanh được thụ hưởng.
Bởi vậy, đề xuất này nếu được thông qua sẽ là động lực rất lớn, khuyến khích hộ kinh doanh và các doanh nghiệp siêu nhỏ “lớn nhanh”, nhanh chóng gia nhập thị trường, thành lập doanh nghiệp. Khi thành lập công ty, doanh nghiệp, mô hình chịu thuế và mô hình kinh doanh sẽ được nâng tầm, đồng nghĩa sẽ đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước. Mặt khác, việc này còn góp phần giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh so với các doanh nghiệp lớn.
Đại diện Bộ Tài chính đã khẳng định rằng, dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) được xây dựng với mục đích hoàn thiện quy định về chính sách thuế, bao quát toàn bộ nguồn thu, mở rộng cơ sở thu. Bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện; thu đúng thu đủ, ổn định nguồn thu, bảo vệ quyền lợi người nộp thuế, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế…
Việc sửa đổi còn nhằm khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Thuế giá trị gia tăng thời gian qua. Đồng thời tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan từ đó, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, đề xuất này cần được xem xét một cách thấu đáo, để một mặt “khoan thư sức dân” nhưng cũng đồng thời là biện pháp tốt để nuôi dưỡng nguồn thu.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/khoan-thu-suc-dan-nuoi-duong-nguon-thu-i385872/