Trong khi các công ty công nghệ lớn và start-up ở Trung Quốc đã nhanh chóng tung ra nhiều mô hình AI và ứng dụng liên quan, việc thuyết phục người dùng trong nước trả tiền cho các dịch vụ này không hề dễ dàng. Điều này đã khiến nhiều công ty phải tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài.
Một số công ty đã đạt được thành công nhất định trong việc mở rộng thị trường ra nước ngoài. Ví dụ, Tập đoàn Alibaba đã ra mắt SeaLLMs, một mô hình AI dành riêng cho thị trường Đông Nam Á.
ByteDance, chủ sở hữu TikTok, cũng đã giới thiệu nhiều ứng dụng AI hướng tới người tiêu dùng toàn cầu như “trợ lý làm bài tập AI” Gauth. Start-up Minimax cũng ra mắt ứng dụng Talkie AI cho người dùng quốc tế.
Theo các chuyên gia, thị trường nước ngoài mang lại tiềm năng lớn hơn khi người dùng sẵn sàng chi trả cho phần mềm và có nhiều chuyên gia để cung cấp phản hồi giá trị. Các công ty như Motiff đã nhanh chóng thu hút người dùng ở nhiều quốc gia khác nhau nhờ vào công cụ thiết kế giao diện sử dụng AI của họ.
Tuy nhiên, với căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, nhiều công ty Trung Quốc đã phải thay đổi chiến lược để thích nghi với môi trường chính trị phức tạp. Một số công ty thậm chí đã phải chuyển trụ sở ra nước ngoài để tránh bị chú ý.
Cao Phong (theo SCMP)
Nguồn: https://www.congluan.vn/cac-ung-dung-ai-cua-trung-quoc-muon-chinh-phuc-thi-truong-nuoc-ngoai-post309191.html