Hạ tầng kết nối KKT Dung Quất vẫn còn nhiều vướng mắc
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng dẫn đến tỉnh dù muốn phát triển nhưng không thể “đi xa”.
Trong đó, điểm nghẽn lớn nhất là nút giao kết nối cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi với KKT Dung Quất. Trong khi, KKT này mỗi năm tạo nguồn thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.
“Điểm nghẽn này dẫn đến công tác thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất gặp khó vì nhà đầu tư e dè do phải đi đường vòng. Quảng Ngãi không thể phát huy tối đa lợi thế về cảng biển nước sâu và quỹ đất công nghiệp dồi dào. Kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét đầu tư hoàn thiện nút giao để thông đường”, ông Giang kiến nghị.
Cùng quan điểm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Lê Xuân Huyên cho rằng, nút giao cao tốc chưa hoàn thành ảnh hưởng đến phát triển thu hút đầu tư của ngành lọc dầu. Trong khi Thủ tướng và các bộ ngành ủng hộ để xây dựng Dung Quất trở thành trung tâm năng lượng quốc gia.
“Để phát triển tổ hợp năng lượng như phê duyệt, mong muốn tỉnh Quảng Ngãi và Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam sớm hoàn thành nút giao kết nối với KKT Dung Quất. Có như vậy mới tạo động lực để phát triển, biến chủ trương của Trung ương thành hiện thực”, ông Huyên mong muốn
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Trương Việt Đông thừa nhận tồn tại lớn nhất của dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là chưa hoàn thiện nút giao kết nối với KKT Dung Quất.
Ông Đông cho rằng, Trung ương bố trí vốn để VEC đầu tư tuyến đường hơn 30 nghìn tỷ, nhưng nút giao Trì Bình – Dung Quất chỉ có 200 tỷ thì chưa làm được. Tuy nhiên, vướng mắc ở đây là từ năm 2019, VEC bị dừng, không được giao vốn cho dự án và từ đó đến nay vẫn chưa tháo gỡ được.
“Để sớm thông nút giao, VEC có tờ trình trình Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Trong đó, có kiến nghị bố trí vốn để hoàn thành nút giao Dung Quất. Nhưng để xong việc điều chỉnh thì cần thời gian dài do phải lấy ý kiến các bộ ngành, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Đồng thời, VEC sẽ có văn bản trình Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho phép VEC trong khi chờ chủ trương thông qua thì được phép chủ động thu xếp vốn để hoàn thành dự án. Bởi lẽ tính hiệu quả và cấp thiết mà dự án này thì không phải bàn.
Mong muốn Quảng Ngãi quan tâm phối hợp với Bộ GTVT ủng hộ cho phương án VEC tự chủ động thu xếp vốn thực hiện dự án”, ông Đông đề xuất.
Cũng theo ông Đông, hiện tại nút giao đã thi công xong nền móng, do đó việc hoàn thiện ở phần mặt đường và hạng mục liên quan nên thời gian thi công sẽ không lâu.
Liên quan đến trạm dừng nghỉ, ông Đông cho hay, VEC có báo cáo Bộ GTVT trong việc huy động vốn để tự đầu tư dự án. Do đó, mong Quảng Ngãi phối hợp trong việc giao đất.
Đầu tư đường băng, xây mới nhà ga cảng hàng không Chu Lai
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân kiến nghị Trung ương xem xét đầu tư nâng cấp cảng hàng không Chu Lai (Quảng Nam) để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, giao thương đi lại và thu hút đầu tư.
Hiện Quảng Ngãi đã lập quy hoạch phát triển KKT Dung Quất, trong đó dành quỹ đất khoảng 1.000ha tiếp giáp với sân bay Chu Lai để mời gọi nhà đầu tư, xây dựng trung tâm logistics.
Bà Vân kiến nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải đường thuỷ, đường bộ và các ngành, lĩnh vực khác đang có dự án đầu tư tại Quảng Ngãi cần tăng nguồn lực đầu tư để hoàn thành các dự án, nhất là hệ thống giao thông kết nối với cao tốc và cảng biển nước sâu Dung Quất.
Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Vũ Thế Phiệt cho biết, cảng hàng không Chu Lai có địa thế đẹp, diện tích đất gần 2.000ha và hoàn toàn là đất sạch. Do đó, chủ trương của ACV là phát triển cảng hàng không Chu Lai thành trung tâm phát triển hàng hóa hoặc bảo trì, bảo dưỡng máy bay.
“Hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư quan tâm dự án này”, ông Phiệt tiết lộ và cho biết, dưới góc độ cơ quan chủ quản chúng tôi sẽ báo cáo Bộ GTVT để báo cáo Chính phủ. Khi Chính phủ trình Bộ Chính trị thông qua thì sẽ là cơ hội để phát triển.
“Trước mắt, ACV sẽ đầu tư nâng cấp đường băng vì đường băng này đầu tư đã lâu. Đầu tư nhà ga mới để thu hút thêm khách du lịch.
Cơ bản lượng khách thông quan di chuyển trên các chuyến bay xuất phát từ cảng hàng không Chu Lai là người dân Quảng Ngãi. Do đó, ACV sẽ sát cánh cùng Bộ GTVT và các địa phương để triển khai nâng cấp sân bay Chu Lai trong thời gian sớm nhất sau khi Bộ Chính trị thông qua”, ông Phiệt khẳng định.
Khai thác triệt để lợi thế cảng nước sâu, sân bay để hình thành trung tâm logistics
Thảo luận tại buổi làm việc, đại diện Tập đoàn Sovico cho hay, muốn đầu tư thêm vào Quảng Ngãi và mong tỉnh ủng hộ. Trong đó, Sovico sẽ tập trung đầu tư vào mảng nhiên liệu hàng không, giảm thải khí CO2. Trong đó, mong muốn lớn nhất của Sovico là nhận chuyển nhượng lại nhà máy Bio ethanol Dung Quất của Tập đoàn dầu khí.
Liên quan đến phát triển cảng hàng không Chu Lai, đại diện Sovico cho biết sẽ phối hợp với ACV và cơ quan liên quan để biến cảng hàng không này trở thành trung tâm logistics.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh ghi nhận những kết quả đạt được của tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua. Đặc biệt là công tác đầu tư hạ tầng giao thông.
Điểm sáng chính là Quảng Ngãi có góc nhìn tốt từ lợi thế của mình khi hội tụ đầy đủ hạ tầng đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thuỷ… để đưa vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 nhằm tạo cơ sở để thúc đẩy phát triển công nghiệp, năng lượng, vận tải…
Ông Anh yêu cầu, trước mắt Quảng Ngãi cần dành nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng liên hoàn, đồng bộ. Tăng cường đầu tư vào phát triển hậu cần. Trong đó, khai thác triệt để lợi thế cảng nước sâu Dung Quất, cảng hàng không Chu Lai để xây dựng nơi đây trở thành trung tâm logistics của cả vùng.
Liên quan đến các kiến nghị của tỉnh về đường kết nối cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi với KT Dung Quất, ông Anh đề nghị VEC chủ động thực hiện để sớm thông nút thắt, sớm kết nối cao tốc với KKT Dung Quất nhằm tăng tính hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tăng lợi thế cho doanh nghiệp đầu tư tại KKT Dung Quất. Tạo bản lề để Quảng Ngãi mời gọi nhà đầu tư tốt hơn, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Dịp này, các Tổng công ty trực thuộc Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã tặng 330 căn nhà cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Trong đó, Tập đoàn dầu khí tặng 100 căn; Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam 20 căn; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam 20 căn; Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam 10 căn…
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/dau-tu-manh-ha-tang-xay-dung-quang-ngai-thanh-trung-tam-logistics-19224082413283146.htm