Trân trọng sự đóng góp cho cách mạng và cho Thủ đô
Cùng tham gia đoàn có Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên và lãnh đạo các sở, ngành.
Đại diện TP Hồ Chí Minh có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy Trần Kim Yến; Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Thị Kiều Nhi cùng lãnh đạo địa phương.
Hai nhân vật mà Đoàn đại biểu TP Hà Nội đến thăm, tặng quà là cụ Nguyễn Như Thiện (SN 1931, ngụ số 003 lô C – Chung cư 43 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận), và cụ Vũ Quang Chiêm (SN 1936, ngụ số 53 Võ Oanh, phường 25, quận Bình Thạnh). Cả 2 cụ là những người từng tham gia chiến đấu, giải phóng và tiếp quản Thủ đô Hà Nội vào thời khắc lịch sử ngày 10/10/1954.
Hoạt động thăm, tặng quà người có công tiêu biểu tại TP Hồ Chí Minh nằm trong chuỗi sự kiện của chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh” nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954- 10/10/2024).
Tại nhà cụ Thiện và cụ Chiêm, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã thông tin về buổi gặp gỡ, thăm hỏi, tặng quà cho người có công tiêu biểu, Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với cách mạng… đang sống tại TP Hồ Chí Minh diễn ra vào chiều 23/8. Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng hỏi thăm tình hình sức khỏe của cụ Thiện, về quá trình trực tiếp chiến đấu giải phóng và tiếp quản Thủ đô và quá trình công tác sau đó.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng chia sẻ về những hoạt động trong chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh” đang tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) từ ngày 23/8-25/8, và mời gia đình cụ Thiện đưa cụ đến thăm quan, vì trong khuôn khổ chương trình còn có trình diễn của nghệ nhân ẩm thực với những món ăn nổi tiếng của Hà Nội.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng mời cụ Chiêm ra thăm Thủ đô sau 70 năm giải phóng để nhìn thấy nhiều đổi thay và phát triển.
Phó Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội bày tỏ lòng biết ơn và xin tri ân những đóng góp to lớn của các thế hệ đi trước, trong đó có cụ Thiện và cụ Chiêm là những người có công lao đối với cách mạng nói chung và đối với Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đồng thời, chúc cụ Thiện, cụ Chiêm cùng gia đình luôn luôn mạnh khỏe.
Sau khi nhận món quà đầy tình cảm của Đoàn đại biểu TP Hà Nội và phần quà của TP Hồ Chí Minh, cụ Nguyễn Như Thiện xúc động gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo hai thành phố.
Còn cụ Vũ Quang Chiêm chia sẻ: “Năm nay tôi đã 88 tuổi, được lãnh đạo TP Hà Nội và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đến thăm, tôi rất lấy làm vinh dự. Sau khi tham gia tiếp quản Thủ đô vào tháng 10/1954, tôi tiếp tục vào miền Nam chiến đấu, được đánh và giải phóng Sài Gòn, bắt được Tướng Lâm Văn Phát, hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sau đó, tôi tiếp tục tham gia chiến trường Campuchia, giải phóng Thủ đô Phnom Pênh, đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot – Ieng Sary, giúp Nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng”.
Cụ Vũ Quang Chiêm (quê ở huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương), đi bộ đội vào năm 1949 khi mới 13 tuổi. Cụ Chiêm công tác đến năm 1989 nghỉ hưu với quân hàm Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, giữ chức vụ Chánh Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4.
Còn cụ Nguyễn Như Thiện (quê ở xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông – nay là quận Hà Đông, TP Hà Nội; cán bộ Tiền khởi nghĩa). Cụ Thiện kể: “Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tôi là Chính trị viên Đại đội tự vệ chiến đấu của Liên khu Đống Đa, đã tham gia nhiều trận đánh Pháp ở Mỹ Đức – Hà Nội. Sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Việt Nam lần thứ hai, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, tôi cùng đồng đội vẫn trụ lại Hà Đông đánh Pháp. Năm 1950 tôi được cử đi học lớp chỉ huy cấp trung đội và đại đội 18 tháng rưỡi ở Đào Viên, Côn Minh (Trung Quốc) rồi về nước vào năm 1951 tiếp tục chiến đấu”.
Từ tháng 3/1952 – 10/1954, cụ Thiện làm Chính trị viên Phó đại đội, cán sự Chính trị viên Tiểu đoàn 18 rồi đại đội C271 – D54 – E102 và tham gia rất nhiều chiến dịch, như: Tây Bắc 1 và 2 (năm 1952); Thượng Lào 1 và 2 (năm 1953); Đông – Xuân (năm 1953-1954); chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954), và làm Bí thư chi bộ Đảng suốt thời gian này. Từ tháng 10/1954 – 10/1960, giữ chức Chính trị viên đại đội Tiểu đoàn 18 – Sư đoàn 308, với quân hàm Thượng úy (năm 1958), vẫn đóng quân tại Hà Nội và tiếp tục được huấn luyện trong thời gian dài.
Cụ Nguyễn Như Thiện về hưu năm 1990, với quân hàm Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy – Phó Giám đốc Học viện Quân y.
Có điều đặc biệt, vợ cụ Thiện là Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thị Tuyết (SN 1931, tại Hà Nội). Cụ Tuyết được công chúng biết đến qua chương trình “tiếng thơ” của Đài Tiếng nói Việt Nam, và là người duy nhất trong lĩnh vực ngâm thơ Việt Nam được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2016, cụ mất vào tháng 11/2020. Vợ chồng cụ Nguyễn Như Thiện, Trần Thị Tuyết có 3 người con, 2 trai và 1 gái.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/pho-bi-thu-thanh-uy-ha-noi-tham-cac-chien-si-giai-phong-thu-do.html